Khai mạc Những ngày Phim Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024
04/07/2024 | 07:58Chiều 3/7 (giờ Moscow), trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024, Bộ VHTTDL tổ chức lễ khai mạc Những ngày phim Việt Nam tại Liên bang Nga.
Dự buổi lễ có Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa; ông Dmitriy Davidenko - Cục trưởng Cục Điện ảnh và Chuyển đổi số, Bộ Văn hóa Liên bang Nga; Bà Elza Antonova - Tổng Giám đốc Cơ quan Nội dung Nghe nhìn Nga - ROSKINO cùng đông đảo khán giả Nga và đồng bào Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Liên bang Nga.
Tạo cảm hứng mới và động lực để điện ảnh Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác phát triển
Phát biểu khai mạc chương trình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, Những ngày phim Việt Nam tại Liên bang Nga là hoạt động thiết thực triển khai Chương trình hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Nga giai đoạn 2022-2024. Sự kiện càng trở nên có ý nghĩa hơn khi được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.
Nước Nga nơi Liên hoàn phim quốc tế Moscow là một trong những Liên hoan phim lâu đời nhất trên thế giới mà điện ảnh Việt Nam cũng từng góp mặt và giành giải thưởng lớn với Cánh đồng hoang (Hồng Sến 1981); Vỹ tuyến 17 ngày và đêm ( Hải Ninh 1975); Bao giờ cho đến tháng 10 (Đặng nhật Minh 1985 – Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới)…Những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, nơi đào tạo cho những người làm điện ảnh hàng đầu tại Việt Nam như đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND Ngô Mạnh Lân, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà Lý luận Phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan…
"Nước Nga luôn được người Việt Nam yêu mến thông qua âm nhạc, văn chương, hội hoạ và đặc biệt là điện ảnh - bộ môn nghệ thuật thứ 7 tổng hợp của các yếu tố trên. Điện ảnh Nga với những tác phẩm kinh điển thế giới hẳn sâu trong tâm tưởng của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam như: Chiến hạm Potemkin (1925); Khi đàn sếu bay qua (cành cọ vàng Cannes 1957); Cánh buồm đỏ thắm; Sông đông êm đềm; Chiến tranh và hoà bình, Thời thơ ấu của I-van, 17 khoảnh khắc mùa xuân, Mát-xcơ-va không tin vào nước mắt (1981)…. Và đặc biệt bộ phim hoạt hình Hãy đợi đấy có thể nói không một người Việt Nam nào không biết đến. Nghe tên phim mà ùa về cả một trời ký ức", bà Nguyễn Phương Hòa bày tỏ.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Hòa, những năm gần đây, cả hai nước đều đứng trước những thách thức của quá trình toàn cầu hoá, khán giả đến rạp chiếu phim để xem phim Mỹ, phim Hàn…ít được tiếp cận với điện ảnh của nhau.
Hoạt động Những ngày Phim Việt Nam tại Liên bang Nga do Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh Việt Nam phối hợp Cơ quan Nội dung Nghe nhìn Nga (ROSKINO) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5/7/2024 tại Rạp Ilusion Cinema và Rạp Cinema Museum, thủ đô Moscow, Liên bang Nga hy vọng sẽ giúp khán giả hiểu hơn về đất nước Việt Nam, sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây
Tại tuần phim lần này, Bộ VHTTDL giới thiệu đến khán giả 5 bộ phim truyện Việt Nam là "Mắt biếc", "Thạch Thảo", "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Đào, Phở và Piano", "Em và Trịnh". Những bộ phim kể về cuộc kháng chiến của người Việt Nam chống Pháp, Mỹ, những bộ phim nhẹ nhàng sâu lắng về tình yêu gia đình, những rung cảm đầu đời, âm nhạc…về đời sống của người dân Việt Nam.
"Đây là những bộ phim truyện mới và đặc sắc của điện ảnh Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây được sự quan tâm và đánh giá cao ở Việt Nam, được nhiều khán giả yêu thích và đã được phát hành tại một số quốc gia trên thế giới.
Hy vọng, các bộ phim mang đến cho khán giả Nga những cảm xúc nghệ thuật và giá trị nhân văn, góp phần tạo nên sự gắn kết giữa những người làm điện ảnh và khán giả hai nước, đồng thời qua đó, tạo cảm hứng mới và động lực để điện ảnh Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa", bà Nguyễn Phương Hòa bày tỏ.
Cũng theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, sang năm 2025, Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan Phim Nga tại Việt Nam, giới thiệu với công chúng về nền điện ảnh nước Nga ngày nay, qua đó góp phần phát triển hợp tác văn hóa và tăng cường hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Văn hóa Việt Nam - đa dạng, rực rỡ và độc đáo hiện lên qua những bộ phim
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dmitriy Davidenko - Cục trưởng Cục Điện ảnh và Chuyển đổi số, Bộ Văn hóa Liên bang Nga nhấn mạnh, Những ngày văn hóa Việt Nam gắn liền với một sự kiện quan trọng - kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Như chúng ta biết, trong khuôn khổ chuyến thăm gần đây của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin tới Việt Nam, đã có tuyên bố "Về việc tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".
"Tôi chắc chắn rằng quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp sáng tạo và điện ảnh", ông Dmitriy Davidenko bày tỏ.
Cục trưởng Cục Điện ảnh và Chuyển đổi số, Bộ Văn hóa Liên bang Nga gửi lời cảm ơn đến các đại diện của phái đoàn Việt Nam - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, các đồng nghiệp từ Cục Điện ảnh thuộc Bộ VHTTDL Việt Nam, cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Nga vì sự cởi mở trong đối thoại và hợp tác hiệu quả trong mọi vấn đề.
"Văn hóa Việt Nam - đa dạng, rực rỡ và độc đáo và các bạn sẽ có thể thấy rõ điều này khi xem những bộ phim được trình chiếu trong khuôn khổ Những ngày phim Việt Nam. Đây là những tác phẩm tài năng, được trao giải tại các liên hoan phim, phản ánh không chỉ văn hóa mà còn những cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam", ông Dmitriy Davidenko chia sẻ.
Những ngày Phim Việt Nam tại Liên bang Nga được tổ chức từ ngày 3 đến 5/7/2024 tại Rạp Ilusion Cinema và Rạp Cinema Museum, Thủ Đô Moscow, Liên bang Nga. Những ngày Phim sẽ giới thiệu 5 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam gồm:
1. "Mắt biếc": Được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim kể về chuyện tình đơn phương của chàng thanh niên Ngạn dành cho cô bạn từ thuở nhỏ Hà Lan... Ngạn và Hà Lan vốn là hai người bạn thời thơ ấu cùng ở làng Đo Đo an bình. Họ cùng nhau đi học, cùng trải qua quãng đời áo trắng ngây thơ vụng dại với những cảm xúc bồi hồi của tuổi thiếu niên. "Ngày cô ấy đi theo chốn phồn hoa, chàng trai bơ vơ...", Hà Lan lên thành phố học và sớm bị thành thị xa hoa làm cho quên lãng Đo Đo. Cô quên mất cậu bạn thân mà chạy theo gã lãng tử hào hoa tên Dũng.
2. "Truyền thuyết về Quán Tiên": Là bộ phim về chiến tranh của điện ảnh Việt Nam. Sâu trong rừng Trường Sơn huyền thoại, nằm giữa vẻ đẹp ám ảnh của rừng nhiệt đới và những dòng suối bí ẩn, nơi tưởng như chưa từng có dấu chân con người, một trạm dừng chân được đặt trong một hang động kỳ bí có tên là Quán Tiên. Đây là nơi được ba nữ thanh niên xung phong trẻ trung, xinh đẹp chịu trách nhiệm quản lý, được ví như cõi Tiên dành cho những người lính lái xe kiệt sức vì những hành trình vô tận. Cuộc sống của ba cô tưởng như sẽ trôi đi yên bình, nhưng những điều kỳ lạ cứ liên tiếp xảy ra, nhắc nhở các cô gái trẻ một thực tế rằng họ không phải là những sinh vật duy nhất nơi đây. Sự ám ảnh về nỗi cô đơn và "ai đó" vẫn âm thầm theo dõi, quan sát họ trong bóng đêm ngày càng lớn dần.Cho đến một ngày, con "quái vật" đã thực sự xuất hiện ở chính tại chiếc hang kỳ bí đó...
3. "Thạch Thảo": Là bộ phim điện ảnh nói về đề tài học trò. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện của các em học sinh cấp 3, ghi dấu những kỷ niệm thanh xuân thơ mộng của lứa tuổi 17. Đồng thời, phim cũng đề cao tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình, và cả tình yêu đôi lứa. Từ những câu chuyện mâu thuẫn, kịch tính xảy ra, qua đó phim để cao sự giúp đỡ lẫn nhau, cùng đối diện với những thử thách, khó khăn và tìm cách vươn lên trong cuộc sống của các bạn trẻ.
4. "Đào, phở và piano": Bộ phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô Hà Nội (đông xuân năm 1946 -1947), vào những ngày cuối cùng trước khi quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc. Đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô đã tuyên thệ trước khi bước vào đợt chiến đấu mới với khẩu hiệu "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Bộ phim là câu chuyện tình yêu của anh vệ quốc đoàn và cô tiểu thư xinh đẹp Hà thành. Bộ phim truyền tải thông điệp về khát khao được sống, được yêu ngay cả trong khói lửa, bom đạn của chiến tranh, và sẵn sàng hy sinh vì Tổ Quốc, từ đó ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước của người Hà Nội.
5. "Em và Trịnh": Từ cuộc gặp gỡ "định mệnh" với người nhạc sĩ tài hoa tại Paris, Michiko - một nữ sinh viên Nhật Bản đã quyết định đến Việt Nam để tiếp tục đề tài luận án về âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi với Trịnh Công Sơn làm cho Michiko thầm yêu ông. Cô sinh viên Nhật Bản đã gợi lại ký ức thanh xuân với những hoạt động sáng tác sôi nổi và những bóng hồng của người nhạc sĩ tài hoa.