Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc Hội thảo quốc tế “Khảo cổ học Việt Nam”

01/03/2012 | 08:04

(VP) - Sáng 29/2/2012, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khảo cổ học Việt Nam” đã chính thức khai mạc với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, khảo cổ học Việt Nam và thế giới. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tạo tiền đề cho việc tổ chức trưng bày triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” dự kiến sẽ diễn ra tại 3 bang của Cộng hòa Liên bang Đức trong hai năm 2014 - 2015.

Hội thảo còn có sự tham dự nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế, sẽ đưa ra một cái nhìn tổng quan về khảo cổ học Việt Nam từ thời sơ sử đến thời cận đại, tập trung trình bày những vấn đề khoa học lịch sử và khảo cổ học Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Toàn – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định, khảo cổ học là một ngành khoa học tương đối trẻ, nhưng đã phát triển rất nhanh chóng, chuyên nghiên cứu về quá khứ của loài người căn cứ vào những sử liệu bằng vật thật. Khảo cổ học Việt Nam đã góp phần đặc biệt quan trọng vào việc tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam một cách sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.  


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bà Sabine von Schorlemer – Bộ trưởng Giáo dục trên Đại học, Nghiên cứu và Nghệ thuật bang Sachsen (CHLB Đức) bày tỏ vui mừng khi được tham gia Hội thảo, đồng thời khẳng định, thông qua các báo cáo khoa học tại Hội thảo, sẽ mang tới cơ hội hiểu biết và làm quen với lịch sử, văn hoá đa dạng của Việt Nam, từ đó tiếp cận với đất nước, con người Việt Nam.  

Giới thiệu vắn tắt dự án trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”, Tiến sĩ Stefan Leneen cho rằng, Hội thảo khoa học lần này là bước khởi đầu cho triển lãm chung được tổ chức lần đầu tiên về khảo cổ học Việt Nam ở Đức, để người Đức có thể được tham quan, tiếp cận những giá trị văn hoá hàng nghìn năm của Việt Nam. Thông qua đó có thể “đánh thức” mối quan tâm của người Đức đối với Việt Nam và tìm đến với Việt Nam.  

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học giới thiệu lịch sử nghiên cứu của Khảo cổ học Việt Nam và tham luận “Vị trí của Việt Nam trong tiền sử Đông Á - một hướng tiếp cận đa ngành từ đá cũ sang đá mới” do GS.TS Peter Bellwood (Úc) trình bày.  

Trong các ngày làm việc tiếp theo của Hội thảo, các đại biểu sẽ tiếp tục được nghe các tham luận quan trọng về khảo cổ học Việt Nam như: “Khảo sát chung về văn hoá Đông Sơn và sự tác động của nó tới các vùng lân cận” (TS Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học); “Chăm-pa và mối quan hệ với các văn hoá, thời kỳ đồ sắt trước đó như văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Đồng Nai” (GS.TS Ian Glover - Vương quốc Anh).


Tham luận về Văn hóa Đông Sơn sẽ được trình bày tại Hội thảo

Đặc biệt, cũng tại Hội thảo lần này sẽ công bố nhiều nội dung về Hoàng thành Thăng Long như: Cấu trúc kinh thành Thăng Long; Các loại hình kiến trúc và vật liệu xây dựng Hoàng thành Thăng Long; Trang trí đất nung ở Thăng Long, sản xuất và kỹ thuật, các mô típ trang trí và nội dung của chúng…  

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 02/3/2012.  

HCTC      

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×