Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc Hội nghị công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 1992-2012

16/05/2012 | 00:39

(VP) - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 1992-2012. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã tới dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng chủ trì có các đồng chí: PGS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL; PGS.TS.NGƯT Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội; PGS. NGND Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 150 đại biểu, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành trung ương; Ban Giám hiệu, Trưởng các phòng (khoa) sau đại học của các cơ sở có đào tạo; các văn nghệ sỹ, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định, công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hoá, nghệ thuật được chú trọng, có bước phát triển về quy mô, mạng lưới, loại hình, số lượng và trình độ, bao quát được hầu hết các ngành nghề cần thiết cho hoạt động văn hoá, sáng tạo, biểu diễn, lý luận và phê bình văn nghệ, hình thành hệ thống các trường văn hoá nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, việc đào tạo sau đại học để tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong những năm gần đây được triển khai, bước đầu có kết quả khả quan.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và các đại biểu cùng chủ trì Hội nghị

Trong 20 năm qua, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật bậc đại học và cao đẳng, công tác đào tạo sau đại học về văn hoá nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng cho rằng, mặc dù mạng lưới đào tạo phát triển nhanh, nhưng chất lượng chưa đồng đều; đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản trước đây đã lớn tuổi và nghỉ hưu nhiều, giáo viên có trình độ cao của các trường chiếm tỷ lệ rất thấp; đồng thời thiếu một chính sách lâu dài, cơ bản và cơ chế đặc thù trong đào tạo tài năng, năng khiếu văn nghệ. Công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật cũng bộc lộ những bất cập về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo…

Qua đó, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị - Hội thảo tập trung đánh giá công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật một cách toàn diện, nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật trong các năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Vụ Đào tạo, hiện nay Bộ VHTTDL có 8 cơ sở đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật (trong đó có 4 cơ sở có đào tạo tiến sỹ), phân bổ tại Hà Nội (5 cơ sở) và TP. Hồ Chí Minh (3 cơ sở). Khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện chưa có cơ sở đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Đây cũng là một trở ngại lớn đối với học viên và cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá nghệ thuật.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo và các nhà khoa học là giảng viên ở lĩnh vực văn hoá nghệ thuật còn quá ít và chiếm tỷ lệ thấp so với một số ngành trong cả nước. Khó khăn lớn nhất ở các cơ sở đào tạo hiện nay là tình trạng đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhiều cơ sở đang rơi vào tình trạng hụt hẫng về giảng viên có trình độ cao, dẫn đến việc các cơ sở đào tạo phải sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và kiệm nhiệm quá nhiều so với số giảng viên cơ hữu.

Trong 20 năm qua, công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật cũng đạt được những con số đáng ghi nhận (1619 thạc sỹ, 106 tiến sỹ), quy mô đào tạo sau đại học ngày càng tăng. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ cũng đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở, đồng thời đóng góp không nhỏ với các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu trong việc triển khai nhiều đề tài, chương trình quốc gia, quy hoạch của ngành, đặc biệt là các Đề án có liên quan đến chiến lược phát triển các hoạt động của Ngành VHTTDL.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến tham luận, hầu hết đều thống nhất cho rằng, đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đang là một vấn đề hết sức bức thiết về số lượng cũng như về chất lượng, trong đó không ít đại biểu cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức những hội thảo chuyên sâu nhằm đề xuất và giải quyết những vấn đề cụ thể, khoa học hơn từ đó đào tạo được đội ngũ cán bộ đầu ngành thực sự có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và những vấn đề đặt ra của Ngành VHTTDL.


Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị cũng nhất trí một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới đối với công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung xây dựng đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, bởi theo ý kiến nhiều đại biểu, đây là vấn đề mang ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo sau đại học nói riêng. Các cơ sở đào tạo cần có chính sách hợp lý nhằm thu hút đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm túc trong công việc. Bên cạnh đó, cần quy hoạch đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học một cách hệ thống, lâu dài, đảm bảo cho các lĩnh vực nghiên cứu, các hướng nghiên cứu, các chuyên ngành đào tạo, các đề tài khoa học đều phải có cán bộ khoa học chủ chốt, đầu ngành am hiểu sâu về chuyên môn và chuyên ngành nghiên cứu, có sáng tạo trong công tác đào tạo sau đại học, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×