Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai hội tôn vinh ông "thánh" thuốc Nam Đại danh y Tuệ Tĩnh

05/05/2019 | 22:49

Sáng 5/5 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Lễ hội truyền thống đền Bia đã chính thức khai mạc. Đây là lễ hội tưởng nhớ Đại danh y Tuệ Tĩnh-người được vinh danh là ông thánh thuốc Nam.

Nhiều năm nay, Lễ hội truyền thống đền Bia ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) được tổ chức vào mùng 1/4 âm lịch đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Năm 2019, Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống đền Bia đã có sự chuẩn bị chu đáo với nhiều điểm mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội và di tích quốc gia đặc biệt.

Những năm trước, Lễ hội truyền thống đền Bia do Ban Quản lý (BQL) di tích huyện Cẩm Giàng phối hợp với UBND xã Cẩm Văn tổ chức. Năm nay là lần đầu tiên lễ hội do UBND huyện tổ chức. "Sau khi cụm di tích thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh là đền Xưa - chùa Giám - đền Bia đón nhận danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt, BQL di tích huyện cùng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã sớm tham mưu với UBND huyện kế hoạch tổ chức Lễ hội đền Bia và được UBND huyện thông qua từ giữa tháng 4 với nhiều điểm mới", ông Hà Quang Thành, Trưởng BQL di tích huyện Cẩm Giàng cho biết.

Khai hội tôn vinh ông thánh thuốc Nam Đại danh y Tuệ Tĩnh - Ảnh 1.

Khai hội đền Bia Cẩm Giàng, Hải Dương sáng 5/5/2019 (ảnh Vũ Lâm)

Theo đó, lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/5 (ngày 30/3 và 1/4 âm lịch), trong đó ngày 5/5 diễn ra lễ khai hội, lễ chữ dâng Thánh "Nam Dược Thánh nhân", phát tặng 1.000 gói thuốc nam cho đại biểu và nhân dân về dự hội. Buổi chiều, phần hội diễn ra nhiều chương trình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn như hát quan họ, giao lưu bóng chuyền, bịt mắt đập niêu đất, câu cá trong chai, kéo co…

Nhằm tạo không khí trang trọng cho lễ hội năm nay, phần lễ được thực hiện với nhiều thay đổi. Việc đọc văn tế, điểm chiêng trống khai hội do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hải Dương thực hiện, các cụ cao niên ở thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn) chỉ thực hiện nhiệm vụ bồi tế thay vì đọc văn tế, điểm chiêng trống và bồi tế như mọi năm.

Lễ chữ "Nam Dược Thánh nhân" đã được Đội lễ chữ Mậu Tài ở thôn Mậu Tài (xã Cẩm Điền) thực hiện từ năm 2018 tại đền Bia. Điểm mới là năm nay Đội lễ chữ Mậu Tài sẽ lần đầu tiên thực hiện màn rước chữ dâng Thánh. Đoàn rước gồm 2 người rước bát bửu đi trước, tiếp theo là 1 người rước trống chầu, sau đó là 4 người rước 4 chữ "Nam", "Dược", "Thánh", "Nhân", cuối cùng là 36 người thuộc Đội Lễ chữ Mậu Tài dần tiến vào sân khấu để thực hiện lễ chữ.

Tuệ Tĩnh, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, còn có biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương)

Ông mô côi mẹ từ lúc 6 tuổi và được các sư tại chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi ăn học. Năm Tân Mão 1351, niên hiệu Thiệu Phong thứ 10, đời vua Trần Dụ Tông, lúc đó mới 22 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng Giáp, nhưng không ra làm quan mà đi tu tại chùa và lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh. Trong thời gian đi tu, ông chuyên tâm nghiên cứu y học cổ truyền, làm thuốc chữa bệnh cứu người. Vốn tư chất thông minh từ nhỏ, lại ham học hỏi, Tuệ Tĩnh đã chú tâm tìm hiểu về nghề thuốc như: cách trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Vào năm 1385, Tuệ Tĩnh 55 tuổi, với kiến thức uyên bác về y dược của mình, lúc đó Tuệ Tĩnh đang là một danh y khá nổi tiếng, ông bị cống sang chữa bệnh cho Vua và Hoàng hậu nhà Minh.

Khai hội tôn vinh ông thánh thuốc Nam Đại danh y Tuệ Tĩnh - Ảnh 2.

Di tích Đền Bia (ảnh baohaiduong.vn)

Xa quê, nhưng ông vẫn dồn tâm sức cho việc nghiên cứu y học và làm thuốc. Ông được vua Minh phong là Đại y Thiền sư sau khi cứu sống Hoàng Hậu nhà Minh lúc đó thoát khỏi căn bệnh hậu sản mà các danh y nhà Minh và người Nhật đều bó tay. Từ ngày sang phương Bắc, ông không một lần được quay lại quê hương. Sống ở nơi đất khách quê người nên hậu thế chỉ biết ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào.

Tuệ Tĩnh trong thời gian tại Phương Bắc vẫn luôn nhớ và mong muốn được trở về cố hương. Chính vì vậy trên bia mộ ông có dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với" thể hiện tâm nguyện của người con nước Nam xa xứ, dù mất rồi vẫn mong muốn được trở về cố hương.

Tác phẩm của Tuệ Tĩnh để lại cho đời là: sách "Hồng nghĩa giác tư y thư", gồm 2 quyển nói về 13 phương thuốc gia giảm và 37 phương trị bệnh thương hàn. Sách "Nam dược thần diệu", gồm 11 quyển nói về dược tính của 580 vị thuốc Nam, 10 khoa và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh. Hai bộ sách quý trên được Nhà xuất bản Y học (Hà Nội) in bằng tiếng Việt năm 1960, phòng huấn luyện Viện Nghiên cứu Đông Y phiên dịch theo chủ trương của Bộ Y tế. Đến nay, sách "Toàn tập Tuệ Tĩnh" dày 600 trang đã được tái bản nhiều lần phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và thực hành chữa bệnh bằng thuốc Nam ở trong nước. Ông được cho là người sáng lập (hay còn gọi là ông Tổ nghề thuốc Nam), về sau Hải Thượng Lãn Ông là người tuyên truyền thực hiện có hiệu quả cao về nghề thuốc dân tộc này./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×