Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai giảng lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam

07/06/2023 | 08:55

Sáng 6/6, tại Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã khai giảng Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam.

Học viên tham dự lớp học đến từ các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Sở VHTTDL, Sở VHTT một số tỉnh, thành…

Khai giảng lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam - Ảnh 1.

Khai giảng Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, trong những thập niên gần đây, công nghiệp văn hóa được xem là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhiều nước và trở thành một kênh truyền dẫn quan trọng sức mạnh mềm văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, trong những nỗ lực và giải pháp đồng bộ, việc nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế nhằm chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trên thực tế, đổi mới thể chế đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.

Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn,... trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh và gia tăng sức hấp dẫn, thu hút thế giới của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, công nghiệp văn hóa đang là mắt xích yếu trong chuỗi các giải pháp nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam. Từ cách tiếp cận thể chế, chuyên đề sẽ từng bước làm rõ hơn các chiều hướng tác động của đổi mới thể chế đối với khả năng chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Với nội dung chuyên đề “Chính sách chung quản lý các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận diện đánh giá thực trạng hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hoá. Theo đó, quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế của Việt Nam được chia thành hai giai đoạn: Hình thành khung thể chế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2005-2015); Xây dựng chiến lược, chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hóa đáp ứng điều kiện kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế (2016-2020).

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương phân tích, hệ thống đường lối, chủ trương chiến lược, hệ thống luật pháp, chính sách của nước ta cũng từng bước quy định xác lập cơ chế vận hành, điều chỉnh chức năng, hoạt động, mục tiêu, phương thức hoạt động, các quan hệ lợi ích của các tổ chức, các chủ thể kinh tế nằm trong chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm công nghiệp văn hóa theo hướng tiến tới xác lập đồng bộ với các yếu tố thị trường, các loại thị trường hiện đại.

Từ năm 2016 đến nay, nhìn chung, các chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa Việt Nam đều hướng đến việc xem xét các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường, chú ý đến nhu cầu văn hóa của người dân, quan tâm nhiều hơn đến vai trò của xã hội dân sự, đặc biệt là các tổ chức NGO trong việc hỗ trợ sáng tạo và bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ.

Khai giảng lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam - Ảnh 2.

Quang cảnh lớp tập huấn

Trên bình diện hợp tác quốc tế, bảo vệ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng luôn được Việt Nam coi trọng như là một ưu tiên chính sách trong khi ký kết các văn bản hợp tác trong khuôn khổ các hiệp định tự do thương mại như TPP cũng như giữa Việt Nam và các nước/tổ chức đối tác khác.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, các địa phương cũng có các chương trình hành động riêng nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, gia tăng sức sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ văn hóa của địa phương mình. Nhiều hội thảo quốc tế và trong nước đã lấy chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung chính. UNESCO, Hội đồng Anh, Viện Goethe, các ĐSQ Đan Mạch, Thụy Điển... đã có nhiều tư vấn giúp Việt Nam nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa trong đời sống xã hội.

Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm nghiên cứu, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019. “Sự thay đổi này cho thấy, công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa thông qua hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế…”, theo bà Nguyễn Thị Thu Phương.

Diễn ra từ ngày 8- 9/6. lớp tập huấn sẽ đem đến cho học viên nhiều nội dung thiết thực như: xem phim tư liệu đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021; khảo sát thực tế tại Bảo tàng Hà Nội, nghe các chuyên đề: “Chính sách chung quản lý các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương trình bày; “Chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm văn hoá, bắt đầu từ khách hàng”, TS. Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo-CCEClub trình bày; “Vai trò của du lịch trong việc hình thành và phát triển công nghiệp văn hoá”, PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch trình bày; “Quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá”, PGS.TS Trần Văn Hải, Trường ĐHKHXH & NV trình bày; “Tầm quan trọng của thiết chế nghệ thuật chuyên nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hoá”, PGS.TS Nguyễn Thế Sơn, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trình bày…


Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×