Kết quả xây dựng đời sống văn hoá cơ sở thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ X
17/01/2011 | 13:33Trong 5 năm qua (2006-2010), ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công nhằm thúc đẩy các hoạt động văn hoá ở cơ sở trên cả hai mặt quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, làm lành mạnh đời sống văn hoá tinh thần trong xã hội.
Về hoạt động sự nghiệp. Cùng với các cơ quan thông tin, báo chí; tổ chức in ấn hàng vạn bản tài liệu, panô, tranh áp phích cổ động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chình trị của đất nước đến tận các gia đình, xóm, ấp, cơ qua, đơn vị nhằm quán triệt và nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về đường lối, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Nhiều chương trình thông tin cổ động được xây dựng dưới hình thức kịch ngắn, ca khúc, triển lãm nhỏ, tài liệu tuyên truyền miệng dễ hiểu, có tác dụng trực tiếp đến người xem, được các đội thông tin lưu động tuyên truyền phục vụ rộng rãi đến công chúng đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Trong những năm qua các đội thông tin lưu động, đội văn nghệ quần chúng đã làm nòng cốt mở đầu các đợt tuyên truyền vận động lớn. Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở hoạt động thiết thực và hiệu quả nâng cao đời sống văn hoá cho nhân dân, tạo được môi trường văn hoá lành mạnh, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá ở các vùng, miền . Cả nước hiện có 72 Trung tâm Văn hoá Thông tin, triển lãm cấp tỉnh; 697 Phòng văn hoá cấp quận, huyện; 549 Trung tâm văn hoá cấp huyện; 4.197 Nhà văn hoá xã, 41.676 Nhà văn hoá làng (thôn, ấp, bản); 41.086 Đội văn nghệ quần chúng. 684 đội TTLĐ (trong đó có 69 đội tỉnh, 615 đội huyện với tổng số 4.442 cán bộ, tuyên truyền viên). Đây chính là lực lượng nòng cốt để hướng dẫn xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Về xây dựng nếp sống văn hoá. Hiện nay cả nước có gần 12000 hương ước, quy ước văn hoá đựơc xây dựng, đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, trong đó có nôi dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Có thể nói, công tác quản lý, hướng dẫn chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên phạm vi cả nước trong thời gian qua đã có sự tiến bộ rõ rệt, trật tự kỷ cương xã hội từng bước được thiết lập, nhận thức về pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật của đông đảo quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như việc cưới vẫn còn hiện tượng ăn uống linh đình, việc tang kéo dài ngày, việc phúng viếng bằng vòng hoa, đối trướng đắt tiền, việc xây mồ mả lăng bia tốn kém nhiều tiền của, đất đai vẫn diễn ra cần phải khắc phục.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã có chuyển biến tiến bộ. Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giúp cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện phong trào thuận lợi, thống nhất.
Văn Phòng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo.
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá với các nội dung, phương thức đa dạng, phong phú như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Các hoạt động chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2006- 2010 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các hoạt động chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá trong các hội viên, đoàn viên, các tổ chức đoàn thể quần chúng và các hoạt động tuyên truyền giáo dục, xây dựng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.
Ban chỉ đạo phong trào ở cấp tỉnh đã ban hành chương trình triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn, giai đoạn 2006- 2010, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số mục tiêu trọng tâm là: Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nhất là chất lượng phong trào xây dựng Gia Đình văn hoá, Khu dân cư tiên tiến., Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá; tạo chuyển biến tiến bộ trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Các ngành là thành viên trong Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh hoạt động đồng đều. Nhiều nội dung, cuộc vận động, phong trào đã được triển khai thực hiện sâu rộng, đem lại hiệu quả đáng khích lệ, nổi bật như: phong trào “ Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Xoá đói giảm nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng”; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; phong trào “Thanh niên xung kích tuyên truyền phòng chống ma tuý”; xây dựng “Làng văn hoá khoẻ”; xây dựng “Gia đình văn hoá, Làng văn hóa, Khu dân cư tiên tiến, Tổ dân phố văn hoá”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”…
Qua kết quả chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá cơ sở thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ X có thể rút ra một số những bài học:
Một là học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X trong toàn thể cán bộ công chức, đảng viên và nhân dân tạo không khí vui tươi lành mạnh trong xã hội thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.
Hai là Tạo điều kiện cho các cán bộ công chức, đảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ quản lý văn hoá đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập.
Ba là Xây dựng mội trường văn hoá lành mạnh, chú trọng xây dựng Gia đình văn hoá; bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam với 5 đức tính đã được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khoá VIII.
Bốn là Xây dựng kế hoạch cụ thể, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, kịp thời, có tính khả thi cao; cán bộ, đảng viên bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, khen thưởng kịp thời, sử lý nghiêm những sai phạm. củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trương Công Thấm
(nguồn vhttcs.gov.vn)