Kết quả triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
27/08/2021 | 18:56Sau một thời gian triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả bước đầu, có 404 hộ gia đình đăng ký, cam kết thực hiện và đánh giá cần thiết thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình, đạt tỷ lệ 100%.
Sau một thời gian triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả bước đầu, có 404 hộ gia đình đăng ký, cam kết thực hiện và đánh giá cần thiết thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình, đạt tỷ lệ 100%.
Kiên Giang tuy không phải là địa phương nằm trong 12 tỉnh, thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm thí điểm, nhưng Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” (Bộ tiêu chí) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021. Trong đó, chọn 03 địa phương thí điểm gồm: phường Tô Châu - thành phố Hà Tiên; xã Thạnh Lộc - huyện Giồng Riềng; xã Định Hòa - huyện Gò Quao mang nét văn hóa đặc trưng của khu vực đô thị, nông thôn - biên giới và đồng bào dân tộc. Ngoài ra, các huyện còn chủ động ban hành kế hoạch triển khai thí điểm Bộ tiêu chí như: huyện Tân Hiệp (09 xã, thị trấn), huyện Giồng Riềng (05 xã), huyện Kiên Lương (02 xã, thị trấn), huyện U Minh Thượng (02 xã), huyện Giang Thành (01 xã), huyện Vĩnh Thuận (01 xã).
Để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đạt hiệu quả, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 03 hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí tại xã Định Hòa - huyện Gò Quao, xã Thạnh Lộc - huyện Giồng Riềng, phường Tô Châu - thành phố Hà Tiên và mời Phòng Văn hóa và Thông tin huyện An Minh, Giang Thành và đại diện xã được chọn làm địa bàn thí điểm cùng tham dự, có hơn 145 đại biểu. Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo viên triển khai các văn bản về thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí; những nội dung cơ bản về các mối liên hệ và các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình; hướng dẫn thực hiện các mẫu đăng ký và cung cấp các tài liệu để sinh hoạt; cung cấp kỹ năng ứng xử, chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện U Minh Thượng mở 01 lớp tập huấn tại huyện và 06 lớp tập huấn tại xã cho thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình xã, cán bộ các ấp; đồng thời phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, UBND xã Vĩnh Hòa tổ chức Lễ phát động và ra mắt địa bàn tổ chức thí điểm tại ấp Vĩnh Tiến. In và phân phối 50.000 tờ gấp tuyên truyền thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình; nhân bản 200 cuốn tài liệu hướng dẫn thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí và chuyển file cho các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện. Ngoài ra, các huyện còn triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ tiêu chí đến các tầng lớp nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh, cổ động trực quan, sinh hoạt CLB “Gia đình phát triển bền vững”, Tổ Nhân dân tự quản, các cuộc họp của chi, tổ, hội… Qua đó, nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí đã được nâng lên rõ rệt.
Qua hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cho thấy, cơ bản các Câu lạc bộ đã triển khai thực tốt việc thí điểm Bộ tiêu chí đúng theo trình tự, bám sát nội dung theo hướng dẫn. Các thành viên Câu lạc bộ cũng đã nhận thức rõ hơn về vấn đề xây dựng gia đình và trở thành hạt nhân lan tỏa các nội dung của Bộ Tiêu chí đến các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng. Bộ tiêu chí với 4 tiêu chí ứng xử chung, 4 tiêu chí ứng xử cụ thể, cùng nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như: Gương mẫu, yêu thương; chung thủy, nghĩa tình; hiếu thảo, lễ phép... đã nhận được sự hưởng ứng của các ngành, địa phương và Nhân dân, góp phần tôn vinh, lan tỏa các chuẩn mực đạo đức, văn hóa; xây dựng gia đình thực sự là một tổ ấm cho mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội.
Mặc dù thời gian triển khai ngắn, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên số buổi sinh hoạt, tuyên truyền nội dung Bộ tiêu chí chưa nhiều nhưng sau thời gian thực hiện Bộ tiêu chí, Nhân dân đã cơ bản nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí, từ đó góp phần thay đổi ý thức, điều chỉnh về hành động, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình như biết yêu thương, chia sẻ và phát huy mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Theo tổng hợp từ phiếu đăng ký và phiếu đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí, 100% các hộ gia đình đăng ký thực hiện đều khẳng định rằng việc thực hiện Bộ tiêu chí là thực sự cần thiết, phù hợp nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, bạo hành trẻ em… giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Bộ tiêu chí vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Kinh phí thực hiện gặp khó khăn do tỉnh không phải là địa phương được Trung ương chọn thí điểm nên chủ yếu lồng ghép từ nguồn kinh phí của các chương trình, kế hoạch khác về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nên việc hỗ trợ kinh phí cho 03 xã, phường được tỉnh chọn làm địa bàn thí điểm còn thấp do đó thời gian triển khai ngắn, số lượng phiếu quá ít nên chưa có sự lan tỏa mạnh mẽ đến người dân và cộng đồng. Các địa phương không thuộc địa bàn được chọn thí điểm, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch và lồng ghép triển khai tuyên truyền Bộ tiêu chí với việc thực hiện nhiệm vụ chung của công tác gia đình. Công tác tuyên truyền về Bộ tiêu chí ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục; tài liệu tuyên truyền chưa được phong phú nên chưa thu hút người dân tham gia sinh hoạt. Nhận thức của một bộ phận người dân về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc thực hiện Bộ tiêu chí đối với việc xây dựng gia đình hạnh phúc còn hạn chế; một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng hướng dẫn về công tác gia đình nên hiệu quả chưa cao. Việc đăng ký, thực hiện Bộ tiêu chí còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo chất lượng.
Dự kiến tháng 10/2021, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2019-2021 nhằm lắng nghe, trao đổi và những chia sẻ sau thời gian thực hiện, để rút kinh nghiệm và đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung nội dung và các bước triển khai trong giai đoạn tiếp theo hiệu quả hơn.
Theo Sở VHTT Kiên Giang