Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ thể hiện rõ vai trò của văn hoá trong sự phát triển của đất nước

25/08/2023 | 11:45

Nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, với phương châm hành động xuyên suốt "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", toàn ngành đã nỗ lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để triển khai các nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân cũng như các ngành các cấp ghi nhận.

Kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ thể hiện rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước - Ảnh 1.

Trong buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam diễn ra mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực văn hoá. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, văn hóa là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhiều hội thảo quy mô lớn về văn hóa đã được tổ chức, tạo sức lan tỏa rộng lớn.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà cũng ghi nhận, nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhận định, đánh giá những chuyển biến về xây dựng và phát triển văn hoá, con người, từ những quan điểm mới về văn hóa đã đặt ra trong Nghị quyết. Toàn ngành Văn hóa với quyết tâm cao đã quyết liệt vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa thời gian qua đã được tăng lên đáng kể

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phát huy và thể hiện rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đồng hành cùng Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan để lồng ghép, đưa những quan điểm, tư tưởng về văn hóa , con người, đất nước vào trong những tham mưu về chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước; đặc biệt trong các chiến lược phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030 có chủ đề Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại… nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, trong đó có vai trò quan trọng của văn hoá. Văn kiện Đại hội Đảng cũng đưa ra những quan điểm, mục tiêu, giải pháp về phát triển văn hoá, con người rất rõ nét.

Qua quá trình triển khai thực hiện, báo cáo tổng kết công tác nửa nhiệm kỳ của Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL cùng những phát biểu tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định nhiều điểm sáng trong sự phát triển của ngành, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Với những thành tựu đó, Thứ trưởng cho rằng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm trong thời gian tới.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, dù nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế nhưng nguồn lực đầu tư cho văn hóa thời gian qua đã được tăng lên đáng kể. Đặc biệt, vốn ngân sách bổ sung đầu tư cho một số công trình văn hóa theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó, các địa phương có nguồn lực thực hiện các chương trình bảo tồn, phát huy các giá trị bền vững của văn hoá; các cơ quan TƯ cũng có thêm những nguồn lực quan trọng để phát triển lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên thực tế số vốn này vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, trong chương trình phát triển, chấn hưng văn hoá, cần đề cập tổng thể vấn đề nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong đó, phân rõ nguồn lực nào từ ngân sách TƯ, nguồn lực nào thực hiện theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá; nguồn lực nào từ xã hội hoá…

Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa mà Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã góp ý kiến và sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, để chương trình khi tổ chức triển khai khắc phục được những bất cập trước đây, cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong từng giai đoạn.

Từ đó, nguồn lực của Chương trình mục tiêu và phân bổ ngân sách Nhà nước cho văn hóa sẽ cộng hưởng với nguồn lực từ các Bộ, ngành, địa phương, tạo động lực cho sự phát triển. Đây là bài toán quan trọng mà hai Bộ sẽ cùng đồng hành để triển khai thực hiện.

Mặt khác, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trong giai đoạn mới cũng cần những cơ chế, chính sách đặc thù của ngành mà trước đây chưa có các quy định. Bộ VHTTDL cần có một tổng kết, đánh giá để đề xuất các cơ chế chính sách, đặc biệt những cơ chế chính sách thí điểm để Chương trình khả thi, hiệu quả.

"Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những ý kiến rất tâm huyết, đề xuất những việc cần làm để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật để xem xét sửa đổi phù hợp, khắc phục những bất cập, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu quan điểm.

Cần đặt phát triển văn hóa trong tổng thể

PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, với sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương, không khí văn hoá, văn nghệ có nhiều khởi sắc, tạo ra luồng gió cảm hứng sáng tạo mới.

"Chúng ta cần huy động, phát huy hơn nữa vai trò của các hội văn học, nghệ thuật trong các sự kiện, hoạt động văn hoá, văn nghệ quy mô quốc gia, quốc tế; đào tạo đội ngũ lý luận văn học, nghệ thuật trẻ", PGS.TS Đỗ Hồng Quân bày tỏ và mong muốn Chương trình mục tiêu chấn hưng văn hoá, con người Việt Nam của Chính phủ sớm được hoàn thiện, ban hành, nhanh chóng đi vào cuộc sống, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn hoá.

Đánh giá cao những kết quả mà toàn Ngành Văn hóa đạt được qua nửa nhiệm kỳ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Bộ VHTTDL cần có thêm thống kê, đánh giá về chấn hưng, phát triển văn hóa cũng như đấu tranh chống biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong đời sống văn hóa xã hội trên không gian mạng.

Trong bối cảnh hiện nay, không gian mạng là nơi diễn ra tất cả hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Những biểu hiện lệch lạc trên không gian mạng ảnh hưởng rất lớn đến các chuẩn mực văn hóa trong đời sống xã hội, lây lan với tốc độ nhanh nên cần có những giải pháp triệt để, trên cơ sở Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan để có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ tin tưởng, công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành trong thế giới thực thế nào thì cũng sẽ được quản lý trên không gian mạng như vậy. Trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng nêu vấn đề về phát triển văn hóa số.

Đây là định hướng quan trọng trong phát triển văn hóa, với những biểu hiện đa dạng của đời sống văn hóa trên không gian mạng, nền tảng số. Rất cần có những nguồn lực hợp lý từ Nhà nước, với các chính sách và những nguồn lực khác để thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, rất cần lồng ghép các hoạt động chấn hưng, phát triển văn hóa với bảo vệ, phát huy quyền con người. Triển khai nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đất nước xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cần có cách tiếp cận, quán triệt trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách pháp luật về văn hoá, con người, phù hợp với quốc tế.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, văn hóa các dân tộc là chủ đề có thể khai thác để tôn vinh, quảng bá Việt Nam ra thế giới nhưng cũng dễ bị lợi dụng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng an ninh trật tự, thậm chí là an ninh quốc gia. Vì vậy, cần đặt phát triển văn hóa trong tổng thể nhằm giải quyết nhiều vấn đề về chính trị, an ninh, quốc phòng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.

Thế Công - Ảnh: Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×