Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết nối nhiều loại hình truyền thông, lan tỏa hình ảnh du lịch Huế

09/05/2022 | 10:08

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh như vậy sau khi nghe nghe báo cáo Đề án “Truyền thông xúc tiến Du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”.

Kết nối nhiều loại hình truyền thông, lan tỏa hình ảnh du lịch Huế - Ảnh 1.

Tại buổi họp

Xác định hai nhóm tài nguyên du lịch

Báo cáo đề án của đơn vị tư vấn cho thấy, Thừa Thiên Huế hội đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Trong bối cảnh đang có những dấu hiệu khởi động và phục hồi du lịch, tái cơ cấu hoạt động truyền thông xúc tiến và định hướng thị trường mục tiêu là công tác quan trọng để đảm bảo phục hồi hiệu quả các thị trường khách, phát huy tối đa giá trị điểm đến và tăng lợi thế cạnh tranh cho Thừa Thiên Huế.

Theo đó, Đề án “Truyền thông, xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được thực hiện làm cơ sở để triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, xúc tiến và phục hồi thị trường ở giai đoạn hậu COVID-19; hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy giá trị điểm đến Thừa Thiên Huế tại khu vực.

Đối với du lịch tỉnh nhà, tiềm năng được xác định dựa trên hai nhóm tài nguyên là tài nguyên du lịch tự nhiên (cảnh quan thiên nhiên, địa chất, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác) và tài nguyên du lịch văn hóa (di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng; khảo cổ, kiến trúc, giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác).

Mặc dù vậy, việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tài nguyên sẵn có của điểm đến, các điều kiện cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ và khả năng đáp ứng của cơ sở du lịch. Vì vậy, việc đánh giá hệ thống các sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng để xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh cũng như đánh giá mức độ khai thác sản phẩm nhằm tìm ra những điểm mạnh của sản phẩm du lịch địa phương, tạo nền tảng đưa ra định hướng truyền thông xúc tiến.

Xúc tiến điểm đến có thể hiểu là việc tương tác với các bên liên quan trọng yếu để nâng cao nhận thức về điểm đến, từ đó thúc đẩy mối quan tâm của du khách đối với việc lựa chọn điểm đến đó. Công tác xúc tiến đòi hỏi đưa ra những cách thức sáng tạo để truyền đạt giá trị của điểm đến, từ đó tạo ra động lực để du khách lựa chọn điểm đến cho chuyến đi của mình.

Mục tiêu cuối cùng của xúc tiến điểm đến là nhằm quảng bá điểm đến sao cho thể hiện tính vượt trội, thu hút du khách và biến du lịch thành động lực chính thúc đẩy kinh tế xã hội trong cộng đồng thông qua doanh thu du lịch, tạo thêm việc làm cho người dân, hình thành thêm doanh nghiệp cho địa phương và phát triển cơ sở hạ tầng.

Quảng bá phải trọng tâm, trọng điểm

Kết nối nhiều loại hình truyền thông, lan tỏa hình ảnh du lịch Huế - Ảnh 2.

Du khách đến với chùa Thiên Mụ - một điểm đến được lựa chọn trong tour vì không thu phí tham quan

Công tác xúc tiến du lịch ở Thừa Thiên Huế trong vài năm trở lại đây nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý nên đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh những hoạt động truyền thống thường niên, công tác xúc tiến kỹ thuật số cũng được đẩy mạnh. Những hoạt động này góp phần nâng cao khả năng tiếp cận của Thừa Thiên Huế đến những đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên, những đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác xúc tiến mà nguyên nhân chính là do thiếu chiến lược xúc tiến với mục tiêu và chương trình hành động rõ ràng, hoạt động xúc tiến hiện chưa chi tiết về mặt mục tiêu, yếu về khâu tổ chức, hệ thống, mức độ tập trung và cả chiều sâu. Mặc khác, nhân lực cũng là một vấn đề cấp thiết ảnh hưởng đến hiệu quả xúc tiến.

Thực tế cho thấy, hành trình đưa ra quyết định du lịch của khách là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều điểm quyết định khác nhau. Du khách không chỉ đơn giản là lựa chọn điểm đến mà còn phải quyết định nhiều yếu tố khác như lưu trú, hoạt động, tour tại điểm đến… Điều này mở ra vô số cách thức để tiếp cận du khách, tại mỗi ‘điểm tiếp xúc’ (touch points), các nhà xúc tiến có cơ hội tương tác và tăng nhận thức về điểm đến/dịch vụ và tạo ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch và quyết định tiêu dùng sản phẩm du lịch của khách…

Tại cuộc họp, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đánh giá cao về sự nghiên cứu các nội dung khi xây dựng đề án của đơn vị tư vấn. Qua đó, đề nghị đơn vị tư vấn cần có đánh giá một cách chi tiết, cụ thể của từng hạng mục truyền thông, có sự kết nối, sâu chuỗi giữa các loại hình truyền thông, để góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Huế đến với du khách. “Trước hết cần đánh giá hiện trạng du lịch của Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ đề án này, bên cạnh việc phân tích những giá trị cốt lõi của tỉnh, sẽ tiếp cận trên tương quan điểm đến của tỉnh với các điểm đến tương đồng trong khu vực để có một cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn”, ông Bình nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng đề nghị đơn vị tư vấn nêu ra những giải pháp cụ thể khi triển khai đề án, từ những giải pháp đó mới có căn cứ để bố trí, cân đối nguồn lực tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải có sản phẩm, kết quả cụ thể của đề án khi triển khai trong các giai đoạn, phải có chỉ số để đo lường trong thực hiện đề án, có phụ lục đính kèm chi tiết để tổ chức thực hiện. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung phương thức triển khai đề án cần tư vấn về nguồn lực và tình hình thực tế để triển khai thực hiện. Đặc biệt, truyền thông phải có chủ đề, đặt trọng tâm, trọng điểm, phải mang tính hiệu ứng để triển khai thực hiện đề án một cách đồng bộ và hiệu quả.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×