Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025: Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình MTQG về văn hóa
21/10/2024 | 15:34Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại được chuẩn bị và tổ chức tốt
Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.
Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với trước đại dịch COVID-19.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội Đảng, Kết luận số 19-NQ/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới, trong đó đã hoàn thành đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công.
Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; xây dựng và tổ chức hiệu quả Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025".
"Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng, quan tâm. Các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại được chuẩn bị và tổ chức tốt. Công nghiệp văn hóa phát triển, một số sản phẩm văn hóa xuất hiện, tạo hiệu ứng truyền thông tích cực" - ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực; quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng ngày càng đi vào chiều sâu; ngoại giao đa phương được triển khai tích cực, đồng bộ; tham gia đóng góp hiệu quả hơn vào các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín, hình ảnh đất nước.
Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, theo ông Vũ Hồng Thanh, cho rằng, cục diện thế giới dự báo sẽ có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn. Ở trong nước, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ.
Để tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Thứ nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.
Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn.
Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh....
Thứ năm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai...
Thứ sáu, kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển du lịch nội địa, tiếp tục giảm chi phí logistics....
Thứ bảy, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.
Thứ tám, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng"...
Thứ chín, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa...
Thứ mười, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lũ, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, củng cố nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.