[Infographic] Toàn cảnh công tác quản lý, tổ chức các lễ hội năm 2018
14/03/2018 | 09:05Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thông báo, thời gian qua, Chính phủ đánh giá cao công tác quản lý, tổ chức các lễ hội. Các lễ hội phản cảm, bạo lực, tình trạng thương mại hóa trong lễ hội đã được chấn chỉnh kịp thời, tốt hơn rất nhiều với sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ VHTTDL và các cơ quan chính quyền địa phương.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/3, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân năm nay có nhiều tiến bộ, từ việc chỉ đạo, ban hành văn bản đến việc sâu sát kiểm tra hoạt động lễ hội. Chính quyền các địa phương đã hết sức tích cực vào cuộc trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội, góp phần làm cho các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thông báo, thời gian qua, Chính phủ đánh giá cao công tác quản lý, tổ chức các lễ hội. Các lễ hội phản cảm, bạo lực, tình trạng thương mại hóa trong lễ hội đã được chấn chỉnh kịp thời, tốt hơn rất nhiều với sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ VHTTDL và các cơ quan chính quyền địa phương.
Để có được những lễ hội an toàn, lành mạnh, ngay từ tháng 1/2018, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã có nhiều chỉ đạo và tổ chức các hội nghị triển khai sớm công tác quản lý lễ hội tới các địa phương. Đặc biệt, lần đầu tiên, Lãnh đạo Chính phủ cũng đã vào cuộc kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định) và Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) ngay dịp đầu năm dương lịch với những chỉ đạo sát thực tế buộc các cấp địa phương một lần nữa nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Từ những việc làm cụ thể như bài trí ban thờ, bố trí hòm công đức hay khay đặt tiền giọt dầu… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Cần truyền thông điệp tránh tư tưởng cầu lợi, coi trọng đồng tiền, hướng tới giá trị truyền thống tốt đẹp tới người dân tham gia lễ hội.
Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu sư thầy trụ trì cũng như Ban quản lý Quần thể di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương tập trung vận động nhân dân thực hiện đúng nghi thức cúng, lễ… “Lấy chùa Hương làm thí điểm xây dựng khuôn mẫu nghi thức, nghi lễ khi vào chùa lễ Phật như thế nào, để từ đó lan tỏa đến các di tích khác trong cả nước”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương không tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm…Riêng Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra tại khoảng 70 điểm di tích lễ hội. Nhiều cán bộ đã “nằm vùng” tại nhiều lễ hội để cùng phối hợp xử lý tình huống phát sinh.
Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ VHTTDL tổ chức vào ngày 2/2, với mục tiêu không để tồn tại của mùa lễ hội trước tái diễn trong năm nay, nhiều vấn đề nóng của mùa lễ hội 2017 được mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp. Với Đền Trần, Nam Định, sau nhiều năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến, trong đó, đặc biệt là việc thực hiện đề án phát ấn theo phương thức mới, hạn chế được tình trạng chen lấn, xô đẩy trong đêm Khai ấn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ. “Ban tổ chức lễ hội có tuyên truyền để hạn chế được việc ném tiền vào kiệu và cướp lộc trên ban thờ không? Đây là hai hành vi vô cùng phản cảm tại Lễ hội Đền Trần. Chúng ta có đầy đủ tư liệu hình ảnh cướp lộc, ném tiền nhưng đã xử lý vi phạm được chưa? Bộ VHTTDL đề nghị địa phương có giải pháp xử lý kiên quyết”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đặt vấn đề.
Ngay sau hội nghị, nhiều cuộc kiểm tra, các văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh truyền thông… của Cục Văn hóa cơ sở, Thanh tra Bộ VHTTDL, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định về công tác tổ chức lễ hội Đền Trần liên tục được phát đi. Trong đó có cả những cuộc kiểm tra bất ngờ tại Đền Trần hay việc cho lắp hàng loạt camera tại các điểm kiệu rước đi qua để sẵn sàng trích xuất hình ảnh truy tìm người ném tiền vào kiệu… đã góp phần mang đến một mùa lễ hội tại địa phương này diễn ra an toàn và văn minh.
Và thực tế chứng minh, ở đâu có sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của chính quyền địa phương thì ở đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao. Tại Yên Bái, trước đây cả tỉnh có 8 lễ hội chọi trâu, nhưng từ năm 2017, với sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ VHTTDL, lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái tích cực vận động nhân dân, giải thích để người dân hiểu và thay đổi cách thức thực hành các lễ hội có tính phản cảm như treo trâu (ở Đông Cuông) và đã có 7 địa phương bỏ tổ chức chọi trâu trong năm 2017. Năm 2018, tỉnh này cam kết không còn địa phương nào tổ chức lễ hội chọi trâu.
Hay Hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, UBND huyện ngay từ đầu năm 2018 đã đưa ra phương án thay đổi cách thức rước giò hoa tre và tới khi lễ hội diễn ra, tình trạng người dân lao vào cướp giò hoa tre năm nay đã không còn nữa…
Trong rất nhiều lần, tại nhiều diễn đàn, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã liên tục truyền đi thông điệp: tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội và làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội, có cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tránh tư tưởng đùn đẩy…
Một trong những dòng thông tin chủ lưu của mùa lễ hội Xuân 2018 đó là việc lên án mạnh mẽ các hành vi mê tín dị đoan, sự lãng phí trong việc thực hành các lễ hội. Nhiều chuyên gia, nhà văn hóa hay các cao tăng đã lên tiếng mạnh mẽ những cách hiểu sai lầm của nhiều người dân hiện nay về việc dâng sao giải hạn, dâng lễ cầu may, xin tài lộc đủ đầy…
Hòa thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo chỉ có lễ cầu an cho người còn sống và cầu siêu cho những người đã mất.
Còn trả lời trên Báo điện tử Tổ Quốc PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho hay, “việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn”.
Về chủ đề này, theo quan sát của Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: đến chùa với nhiều người dân không phải là để trải nghiệm, có nhiều người còn không biết ngôi đền ấy thờ cái gì, thờ vị thánh nào; người sau vái người trước rồi nhanh chóng rời đi; đáng lý bỏ tiền công đức, giọt dầu thì lại dâng tiền cho tượng Phật…
Lý giải nguyên nhân, ông Trần Hữu Sơn cho rằng, có thể khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường cuộc sống của người dân có chút không phẳng lặng như trước nữa. Nhiều điều bất an trong cuộc sống khiến người ta cần có một niềm tin. Người dân đến đền, chùa để cầu xin, về mặt tâm lý là nhằm giải tỏa bất an trong tâm chứ không thể giải quyết được các vấn đề mà đời sống đang đặt ra với người dân.
Một điểm sáng của văn minh mùa lễ hội năm nay, với khuyến cáo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tới hệ thống các cơ sở tín ngưỡng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như các chùa, tổ đình, các cơ sở thờ tự… về việc hạn chế đốt vàng mã đã nhận được nhiều sự tán thưởng của cộng đồng.
Là cơ quan quản lý ngành, Bộ VHTTDL trong nhiều năm qua đã có các văn bản hướng dẫn, đề nghị người dân khi tham gia lễ hội hay các hoạt động tại cơ sở di tích có ý thức hạn chế việc đốt vàng mã. Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự, di tích, lễ hội…
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện đúng sai, lãng phí, một văn bản mà Chính phủ năm nào cũng ban hành ngay sau Tết Nguyên đán, đó là Công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu cán bộ không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính.
Tinh thần này cũng được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quán triệt tới tất cả cán bộ công nhân viên chức trong Bộ bắt tay vào công việc ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Không riêng gì cán bộ, công chức ngành VHTTDL thực hiện nghiêm các chỉ đạo. Các ngành khác cũng tập trung bắt tay vào triển khai công việc để “Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi”. Nhiều ngành đã kỷ luật nghiêm khắc các cán bộ đi lễ trong giờ làm việc.
Đầu tháng 3, Công ty Điện lực Hà Nam đã ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc điện lực Bình Lục do đi lễ trong giờ hành chính. Ông Nghị đã bị miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Điện lực Bình Lục và điều động đi làm Quản đốc phân xưởng xây lắp sửa chữa điện, Công ty Điện lực Hà Nam, trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 5/3/2018.
Trước đó, vào ngày 27/2, báo chí đã phản ánh việc nhiều cán bộ Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đi lễ trong giờ hành chính vào ngày 26/2. Với vi phạm này, Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ 7 người và chờ đến khi có quyết định kỷ luật.
Sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan, cùng với những kinh nghiệm được rút ra từ các mùa lễ hội trước, đã tạo nên thành công bước đầu của mùa lễ hội Xuân 2018. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những mùa lễ hội xuân tiếp theo sẽ diễn ra an toàn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân.
Biên tập : Song Đào
Ảnh: Nam Nguyễn – Minh Khánh- Hồng Gấm
Đồ họa: Minh Trang