Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hướng tới Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Một mùa “Bông sen” mới

15/11/2021 | 14:11

Tuy bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn có một mùa phim khá đa dạng tham dự vào hai chương trình Phim dự thi và phim Toàn cảnh của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII. 17 bộ phim được tuyển chọn vào hạng mục phim truyện dự thi lần này phản ánh phần nào diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam đương đại. 9 bộ phim trong chương trình Toàn cảnh lại mang đến một một cái nhìn đa chiều về các khuynh hướng sáng tác của các nhà làm phim Việt Nam nhiều thế hệ.

Phim dự thi - Cuộc đua gay cấn

17 bộ phim được tuyển chọn vào hạng mục phim truyện dự thi lần này phản ánh phần nào diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam đương đại với sự đa dạng các thành phần làm phim, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà làm phim trẻ trong những tìm tòi sáng tạo.

Hướng tới Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Một mùa “Bông sen” mới - Ảnh 1.

Cảnh phim Bằng chứng vô hình

Bên cạnh những tác phẩm của các nhà sản xuất tư nhân, sự góp mặt của năm bộ phim đến từ Công ty cổ phần phim Giải Phóng, Công ty cổ phần Phim truyện I, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam mang đến sự cân đối về đề tài với những góc nhìn đa sắc. Nếu bộ phim Cơn giông là sự trở lại của đạo diễn kỳ cựu Trần Ngọc Phong (Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng sản xuất) với đề tài ruột về cuộc sống và con người miền Tây Nam Bộ thì Khúc mưa của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất) lại là góc nhìn khá độc đáo, thông qua bi kịch riêng của một gia đình để nhìn nhận về những vết thương của thời hậu chiến.

Con đường có mặt trời (đạo diễn Vũ Anh Nhất) Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất lại là một góc nhìn trẻ trung, tươi mới và đầy niềm lạc quan của tuổi trẻ khi kể về một chàng ca sĩ thần tượng miễn cưỡng nhập ngũ. Nhưng rồi chính trong môi trường quân ngũ này, anh lại tìm thấy lý tưởng cuộc sống. Xem phim, khán giả trẻ cũng sẽ tìm được những bài học quý giá cho riêng mình và thêm yêu hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ.

Bộ phim Lính chiến (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà) (Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất) với kịch bản của nhà văn Chu Lai một lần nữa khám phá về tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của những người lính từ thời chiến tới thời bình và mang đến những bài học giá trị cho thế hệ trẻ. Còn Bình minh đỏ (đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân, đạo diễn Trần Chí Thành - Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất) lại đưa khán giả trở về với những ngày chiến sự ác liệt Tết Mậu Thân 1968 với câu chuyện lay động lòng người về một Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Bộ phim tôn vinh những chiến sĩ nữ lái xe anh hùng và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Sự trở lại mạnh mẽ của những bộ phim có đề tài chiến tranh cách mạng với những gương mặt đạo diễn kỳ cựu như NSND Nguyễn Thanh Vân đến những đạo diễn trẻ lần đầu làm phim cho thấy việc làm mới một đề tài tưởng như đã cũ này vẫn luôn là nguồn cảm hứng của các nhà làm phim Việt nhiều thế hệ.

Hướng tới Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Một mùa “Bông sen” mới - Ảnh 2.

Cảnh phim Lính chiến

Bên cạnh những đạo diễn đã tạo dựng được tên tuổi, tiếp tục có sự bứt phá về nghề như Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành với Bố già, Victor Vũ với Mắt biếc, Nguyễn Quang Dũng với Tiệc trăng máu là sự xuất hiện trẻ trung, tươi mới của những đạo diễn làm phim đầu tay như Trần Thanh Huy với Ròm, Nguyễn Mạnh Hà với Lính chiến, Vũ Anh Nhất với Con đường có mặt trời

Đáng chú ý, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, vẫn có những kỷ lục doanh thu mới được lập tạo niềm tin cho các nhà làm phim Việt và truyền cảm hứng cho khán giả yêu điện ảnh. Mặc dù dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của nhiều bộ phim Việt, có phim vừa khởi chiếu không bao lâu đã phải ngừng vì đại dịch nhưng sự bứt phá của nhiều bộ phim mà kỷ lục của Bố già với doanh thu 400 tỷ đồng trong nước và 1 triệu USD thị trường Mỹ đã tiếp thêm động lực cho các nhà làm phim Việt.

Hướng tới Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Một mùa “Bông sen” mới - Ảnh 3.

Cảnh phim Con đường có mặt trời

Mắt biếc với doanh thu 172 tỷ, Tiệc trăng máu thu 180 tỷ - là bộ phim đoạt doanh thu cao nhất năm 2020, Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử thu hơn 100 tỷ sau gần một tháng khởi chiếu, Ròm lập kỳ tích doanh thu của dòng phim độc lập với 63 tỷ đồng cho thấy những điểm sáng về doanh thu trong bức tranh ảm đạm của thị trường điện ảnh thời đại dịch.

17 bộ phim dự thi bao gồm phần lớn là phim tâm lý xã hội, tình cảm gia đình, tâm lý - hài. Bên cạnh đó là sự góp mặt khiêm tốn của hai bộ phim hành động và một bộ phim hình sự cùng hai phim remake. Cuộc đua giải thưởng năm nay sẽ là cuộc đua rất hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều bất ngờ thú vị giữa những bộ phim đa sắc màu và những đạo diễn nhiều thế hệ.

Phim toàn cảnh - Cái nhìn đa chiều

9 bộ phim trong Chương trình Toàn cảnh mang đến một một cái nhìn đa chiều về các khuynh hướng sáng tác của các nhà làm phim Việt Nam đương đại: Từ tình cảm gia đình, tâm lý xã hội, tâm lý tội phạm, tâm lý kinh dị đến phim hành động võ thuật, phim remake… Trong số này có cả phim đầu tay của những đạo diễn trẻ lần đầu làm phim điện ảnh như Trịnh Tài Việt, Khoa Nguyễn, Trần Vũ Thủy đến phim của các đạo diễn kỳ cựu và cả những đạo diễn “tay ngang” đam mê làm phim.

Hướng tới Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Một mùa “Bông sen” mới - Ảnh 4.

Cảnh phim Cơn giông

Điểm nổi bật của các bộ phim trong chương trình Toàn cảnh là những thử nghiệm nghệ thuật đầy mới mẻ, có thể chưa thành công, nhưng là những tìm tòi nghệ thuật rất đáng khuyến khích. Đó là Kiều @ với thử nghiệm kỹ thuật “one-shot” đầu tiên ở Việt Nam (kỹ thuật một cú máy từng được áp dụng trên thế giới) đòi hỏi tốn kém và vất vả nên ít đạo diễn chọn lựa. Phim remake Song song cũng là những tìm tòi thử nghiệm nghệ thuật của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng khi một lần nữa mạo hiểm với thể loại phim tâm lý tội phạm, ly kỳ, giật gân.

Cập nhật xu hướng xem phim trực tuyến, Điên tối nằm trong dự án Sáng kiến Phim trẻ 360 của Viettel Media là phim điện ảnh Việt đầu tiên được trình chiếu online.

Phim trong Chương trình Toàn cảnh cũng cho thấy đội ngũ sáng tác của điện ảnh Việt Nam hiện đang rất đa dạng. Từ những đạo diễn “tay ngang” đam mê điện ảnh và theo nghiệp làm phim như Đoàn Nhất Trung, Lê Thiện Viễn, những đạo diễn trẻ được học điện ảnh ở nước ngoài về như Nguyễn Hữu Hoàng đến những đạo diễn Việt Kiều giàu kinh nghiệm, trở về nước làm phim như Síu Phạm, Peter Hein. Sự xuất hiện của hai đạo diễn này góp phần làm phong phú bức tranh điện ảnh Việt, bên cạnh sự nam tính mạnh mẽ của Peter Hein là góc nhìn nữ tính với giọng điệu độc đáo của nữ đạo diễn Síu Phạm. Hai phim của đạo diễn Việt Kiều cho thấy những góc nhìn riêng biệt. Nếu Sám hối bộc lộ rõ sở trường về dòng phim hành động của đạo diễn chuyên làm phim hành động ở Bollywood thì Vào đời lại cho thấy giọng điệu khác biệt của một nữ đạo diễn đa tài từng có tác phẩm được trình chiếu ở nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×