Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023): Truyền cảm hứng sống đẹp từ những mô hình sáng tạo

12/08/2023 | 16:53

Sẽ có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại các địa phương được đưa tới diễn đàn Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc - một trong ba hoạt động lớn diễn ra trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023). Ánh sáng từ những mô hình sáng tạo không chỉ đóng góp phần quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh mà còn truyền cảm hứng tốt đẹp, tích cực đến mỗi cá nhân, tập thể, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng.

Hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023): Truyền cảm hứng sống đẹp từ những mô hình sáng tạo - Ảnh 1.

Mô hình “Ánh sáng an ninh” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mang lại hiệu quả thiết thực

Ánh sáng an ninh trong cộng đồng dân cư

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai mô hình Ánh sáng an ninh trong cộng đồng dân cư, theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, đây là mô hình quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Là tỉnh duyên hải Trung Bộ Việt Nam, với đường bờ biển dài 192 km và đặc thù 35 dân tộc cùng sinh sống, có sự đa dạng về văn hóa, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống được quan tâm, Bình Thuận là một trong những địa phương có nguồn lực lớn về văn hóa, góp phần cho sự phát triển chung trên địa bàn.

Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai thực hiện đồng bộ, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở cơ sở. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát động xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điều đáng chú ý là từ các phong trào thi đua ở địa phương, cơ sở đã tạo nên làn sóng lan truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng cá nhân, gia đình, thôn, xóm.

Tuy nhiên, tác động mặt trái của bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tiêu cực xã hội phát sinh đã dẫn đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các mô hình sáng tạo Ánh sáng an ninh, Thắp sáng đường quê trong cộng đồng dân cư được triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, phục vụ ánh sáng điện ban đêm trên các tuyến đường, tạo sự thuận tiện, giúp người dân yên tâm hơn khi ra đường vào buổi tối, hạn chế tai nạn giao thông, giảm nạn trộm cắp, bớt tụ tập gây mất an ninh trật tự… mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đó, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả thiết thực.

Đặc biệt, mô hình Ánh sáng an ninh đã được triển khai từ nhiều năm qua ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, điển hình là hai huyện Đức Linh và Tánh Linh. Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, từ khi mô hình được phát động xây dựng, nhiều tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể so với trước đây. Cùng với đó, các mô hình khác cũng được phát động như: Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông, Camera an ninh…

Cũng theo Sở VHTTDL Bình Thuận, xây dựng mô hình Ánh sáng an ninh là chủ trương hợp lòng dân, góp phần làm sáng thêm bộ mặt nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. Để các mô hình tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả ở cơ sở, trong thời gian tới các địa phương tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và các hộ dân trên các tuyến đường tham gia vào quá trình vận hành, bảo quản để duy trì tuyến đường lâu dài, đồng thời nhân rộng việc xây dựng mô hình đều khắp tại các cơ sở.

Hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023): Truyền cảm hứng sống đẹp từ những mô hình sáng tạo - Ảnh 2.

Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” do TP Hà Nội tổ chức

Lan tỏa năng lượng tích cực từ những “trưởng thôn thân thiện”

Tạo hạt nhân trong phong trào TDĐKXDĐSVH, Hội thi Trưởng thôn thân thiện là hoạt động hiệu quả được TP Hà Nội tổ chức trong những năm qua, nhằm tuyên truyền, giới thiệu truyền thống văn hóa lịch sử địa phương, kết quả phong trào TDĐKXDĐSVH; xây dựng nông thôn mới tại các thôn làng. Đồng thời, mỗi hội thi là một dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các thôn, các cán bộ Trưởng thôn trong công tác xây dựng thôn, làng văn hóa ở cơ sở.

Đóng vai trò những người “truyền lửa” trong các phong trào văn hóa ở cơ sở, các trưởng thôn trên địa bàn TP Hà Nội nhiều năm qua đã có đóng góp tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa. Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong đời sống cộng đồng, trưởng thôn vừa là những người gần dân, hiểu dân, vừa là đại diện tiêu biểu của nhân dân trong thôn, làng; là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở để trực tiếp tiếp nhận và truyền đạt, tổ chức, hướng dẫn cộng đồng thực hiện các nhiệm vụ đề ra…

Tại Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc năm nay, Phòng VHTT huyện Đông Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm tham gia Hội thi trưởng thôn thân thiện do TP Hà Nội tổ chức. Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Trưởng thôn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở địa phương; củng cố kiến thức, kỹ năng trong triển khai tổ chức thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH; xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhân tố con người thanh lịch, văn minh. Đồng thời tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung và phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với các phong trào thi đua khác ở địa phương.

“Nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của Trưởng thôn trong thực thi nhiệm vụ nói chung và trong công tác xây dựng đời sống văn hóa nói riêng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào ở cơ sở để các Trưởng thôn gắn bó mật thiết với phong trào, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương… là những mục tiêu mà các hội thi Trưởng thôn thân thiện hướng đến”, Phòng VHTT huyện Đông Anh cho biết.

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Đông Anh đã thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó có sự đóng góp quan trọng của 155/155 trưởng thôn làng, khu dân cư. Thực hiện Nghị quyết số 250 của huyện ủy về 5 “có” 3 “không”, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ huyện đến cơ sở, các thôn làng, tổ dân phố được quan tâm đầu tư đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sau đầu tư, sử dụng hiệu quả; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã trở thành nề nếp... Tham gia cuộc thi, những trưởng thôn với vai trò hạt nhân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã khẳng định kiến thức trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; bình xét các danh hiệu văn hóa; tổ chức, quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động, nghi lễ tín ngưỡng ở địa phương; tổ chức hoạt động ở các thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn…

Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và chủ đề công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng mức đầu tư kinh phí cho hoạt động văn hóa; xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao; đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn; tổ chức tốt công tác tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở. Đặc biệt, từ thành phố đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong đó, việc tổ chức các hội thi Trưởng thôn thân thiện có ý nghĩa thiết thực, lan tỏa những năng lượng tích cực từ các hạt nhân có vai trò truyền lửa trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ở cơ sở. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×