Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hướng đi nào cho kinh tế thể thao Việt Nam (Bài 3): Nâng giá trị các giải đấu

12/06/2023 | 09:32

Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, việc định vị được các giải đấu thể thao lớn là một hình thức toàn cầu hóa quan trọng và có ý nghĩa văn hóa - chính trị mạnh mẽ và ý nghĩa kinh tế cho mỗi quốc gia.

Định vị giải đấu là một trong những "nút thắt"

Các giải đấu thể thao lớn đã được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới, được phát sóng đến với toàn cầu; thu hút một số lượng lớn người theo dõi trực tiếp và gián tiếp.

Thực tế đã ghi nhận nhiều cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia để giành quyền tổ chức các sự kiện lớn như cuộc đua xe Công thức 1, Grand Prix, Thế vận hội và Cúp thế giới. Định vị các giải đấu, đặc biệt là các giải quốc tế đóng góp to lớn cho hình ảnh của mỗi quốc gia.

Hướng đi nào cho kinh tế thể thao Việt Nam (Bài 3): Nâng giá trị các giải đấu - Ảnh 1.

Bản quyền truyền hình V-League bước đầu cho thấy giá trị của giải đấu bóng đá quốc nội cấp cao nhất, đồng thời tạo nên động lực tốt cho mọi mặt, từ CLB đến giải đấu.

Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định, việc định vị giải đấu là một trong những "nút thắt" của nền kinh tế thể thao. Hiện tại, trên thế giới các giải đấu như Bóng bầu dục, Bóng chày tại Mỹ đang dẫn đầu về việc tạo ra doanh thu. Xếp sau đó là những giải đấu như Bóng rổ NBA hay giải Bóng đá Ngoại hạng Anh. Đây đều là những giải đấu có doanh thu trên 5 tỷ đô la.

"Trong khi đó ở Việt Nam mới có rất ít giải đấu tạo ra nguồn doanh thu lớn từ tài trợ, từ bản quyền truyền hình đó là V-League hay bóng rổ VBA. Chúng ta cần biết rằng nguồn thu từ bản quyền truyền hình thường chiếm đến 50-70% doanh thu của giải đấu" - ông Đặng Hà Việt nói.

Lấy ví dụ giải V-League môn bóng đá, ở mùa giải 2023, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã bán được bản quyền truyền hình giải đấu với giá khoảng 60 tỉ đồng/mùa.

Để so sánh với bản quyền truyền hình của Premier League, một trong những giải đấu có sức hút lớn nhất thế giới thì có thể hơi khập khiễng. Nhưng lợi ích mà bản quyền truyền hình mang lại là thực sự lớn, không chỉ cho ban tổ chức và các CLB. Con số trên đã bước đầu cho thấy giá trị của giải đấu bóng đá quốc nội cấp cao nhất, đồng thời tạo nên động lực tốt cho mọi mặt, từ CLB đến giải đấu.

Bên cạnh đó, việc nhận được một số tiền đầu tư lớn cũng sẽ đi kèm với những đòi hỏi khắt khe về sự chỉn chu trong hình ảnh giải đấu. Đấy chính là đòn bẩy để các bên cùng bắt tay xây dựng hình ảnh giải tốt hơn, tương xứng với giá trị bản quyền giải đấu.

Tuy nhiên, ngoài hai trường hợp của bóng đá và bóng rổ, đến thời điểm hiện tại, chỉ có thêm 8 giải đấu có bản quyền truyền hình. Các giải đấu, những môn thể thao khác vẫn tương đối "loay hoay" trong việc tìm kiếm những yếu tố trên.

Nâng cao giá trị các giải đấu ở Việt Nam

Trên cương vị đại diện cho các Liên đoàn, hiệp hội, ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho rằng, thông qua môi trường những giải đấu chuyên nghiệp, sản phẩm hàng hóa của các chủ doanh nghiệp (Các CLB) chính là chất lượng các trận đấu, các sản phẩm dịch vụ cung cấp ra thị trường cho người hâm mộ thưởng thức.

Điều này có nghĩa rằng, một giải đấu sẽ được ví như sản phẩm, BTC giải càng hoàn thiện, trau chuốt cho hình ảnh giải đấu, nâng cao chất lượng giải sẽ càng dễ tìm kiếm các nguồn tài trợ.

Theo ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc VTVCab, để lựa chọn việc mua bản quyền truyền hình cần dựa vào 3 tiêu chí gồm: người hâm mộ, chiến lược của công ty và cuối cùng là giá bản quyền.

Hướng đi nào cho kinh tế thể thao Việt Nam (Bài 3): Nâng giá trị các giải đấu - Ảnh 2.

Các giải đấu được ví như những sản phẩm, càng nâng cao chất lượng, càng dễ dàng tìm nhà tài trợ

"Nếu nhìn lại khoảng 5 năm trước sẽ thấy bản quyền truyền hình trong nước của Việt Nam rất ít. Nhưng đến năm 2023, phần bản quyền truyền hình thể thao có khoảng 10 bộ môn tổ chức phát sóng đưa lên truyền hình. Tôi cho rằng nguyên tắc đơn giản nhất ở đây là xem giải đấu như một loại sản phẩm. Nếu muốn bán tốt phải có sản phẩm tốt. Đây là quá trình dài phối hợp giữa nhiều bên để có chất lượng giải tốt hơn" - ông Bùi Huy Năm nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Truyền thông Herbalife Việt Nam cho rằng, về phía nhà tài trợ, để lựa chọn tài trợ cho một giải đấu cần phải dựa trên rất nhiều tiêu chí.

"Chúng tôi cần phải xem thử nội dung giải đấu có phù hợp hay không? Cách thức thông qua giải đấu doanh nghiệp đồng hành về thương hiệu doanh nghiệp được lợi như thế nào? Về cộng đồng có thể mang lại được gì? Một doanh nghiệp khi quyết định tài trợ cần biết cụ thể cách truyền thông của thông tin đến khán giả của giải đấu và tính hiệu quả của nó ra sao. Chúng tôi với cương vị là doanh nghiệp đi tìm sản phẩm để mua và ngược lại các giải đấu tìm nhà tài trợ để bán" - ông Nguyễn Thành Đạt nói.

Trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang có được những bước khẳng định mạnh mẽ trên bản đồ châu lục, thế giới, việc thay đổi các phương thức tổ chức, chỉn chu, khắt khe và nâng cao chất lượng tốt hơn mỗi giải đấu được xem là yêu cầu tiên quyết với các nhà quản lý của các liên đoàn, hiệp hội hay Tổng cục Thể dục Thể thao.

Cùng với định hướng xây dựng đa dạng các nội dung có chất lượng tốt để phục vụ cho truyền hình trả tiền của các đài truyền hình, thể thao rõ ràng là món ăn tinh thần được và là lựa chọn hàng đầu để phục vụ người dân.

Do đó, trong thời gian qua, các nhà đài đã và đang có những sự kết hợp, xây dựng nhiều nội dung với nhiều môn thể thao.

Cùng với những gợi mở của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thể thao, nếu có những chính sách phù hợp và chủ trương đúng đắn thì tới đây Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa thể thao lớn trên thế giới, từ đó tạo thành tiền đề để ta xây dựng thương hiệu cho thể thao Việt Nam… tạo nguồn thu hút cho đầu tư vào thị trường thể thao Việt Nam./.



Bạch Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×