Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hưng Yên phát triển du lịch trong thời kỳ mới

10/07/2025 | 16:37

Hưng Yên đã và đang định vị du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển tầm nhìn đến năm 2030.

Trong dòng chảy đổi mới và hội nhập, tỉnh Hưng Yên đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch phía Bắc. Bằng những định hướng chiến lược rõ ràng, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành cùng sự đồng hành của doanh nghiệp. Hưng Yên đang nỗ lực chuyển mình để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Đổi mới tư duy, hiện đại hóa sản phẩm du lịch

Với việc sáp nhập 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên sẽ tạo ra một vị thế, một không gian phát triển mới.

Toàn tỉnh Thái Bình cũ có 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 125 di tích cấp quốc gia; có 2 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Là vùng đất hội tụ của nhiều sắc thái văn hóa, Thái Bình có 585 lễ hội truyền thống, 91 nghề thủ công truyền thống như: Bánh cáy làng Nguyễn; chạm bạc Đồng Xâm; thêu Minh Lãng; dệt chiếu cói Tiên Lễ....; 58 nghệ thuật trình diễn dân gian và 28 tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Là vùng đất "địa linh nhân kiệt", tỉnh Hưng Yên cũ sở hữu hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú với tổng số 1.803 di tích các loại. Trong đó, có 4 cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 177 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, và 279 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng 8 bảo vật quốc gia. Phố Hiến - thương cảng sầm uất một thời - là biểu tượng cho sự phồn thịnh, giao thương và đa văn hóa, nay trở thành điểm du lịch văn hóa đặc sắc.

Hưng Yên phát triển du lịch trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Ngoài ra, Hưng Yên cũ còn có hơn 500 lễ hội truyền thống và hàng trăm làng nghề truyền thống như: làng tương Bần, làng nón lá Phù Ủng, hay làng đúc đồng Lộng Thượng; cùng với nhiều di tích, khu di tích, và hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, và khoa học.

Bước vào kỷ nguyên mới, Hưng Yên xác định: du lịch không chỉ là dịch vụ - mà còn là một ngành kinh tế tổng hợp, cần phát triển bài bản và chuyên nghiệp. Tỉnh sẽ đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng. Năm 2025, Hưng Yên phấn đấu lượt khách du lịch dự kiến đạt trên 4 triệu lượt khách, tổng thu khoảng hơn 1800 tỷ đồng.

Các loại hình du lịch đang được ưu tiên phát triển bao gồm:

Du lịch văn hóa - tâm linh gắn với hệ thống di tích lịch sử; Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng tại các vùng ven sông, vùng nông nghiệp xanh; Du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch cộng đồng; Du lịch đường thủy trên sông Hồng, sông Luộc - mở rộng tuyến liên kết với Hà Nội, Hải Dương cũ, Thái Bình cũ. Liên kết vùng: kết nối tour - tuyến với Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Ninh… nhằm xây dựng hệ thống du lịch vùng bền vững.

Các tour tuyến du lịch xuyên tỉnh, kết nối di sản - văn hóa - sinh thái đang dần hình thành, tạo sự thuận tiện cho du khách và thúc đẩy lưu trú dài ngày.

Song song đó, Hưng Yên mở rộng hợp tác quốc tế, xúc tiến tại Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và ASEAN để thu hút khách quốc tế. Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch; Tuần lễ Du lịch hay hội nghị liên kết du lịch một số tỉnh để góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Hưng Yên mới đến du khách trong và ngoài nước.

Phát triển “du lịch xanh - văn hóa - thông minh”

Ông Phạm Văn Hiệu Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, cho biết, trong thời kỳ mới, tỉnh Hưng Yên mới có thêm một tiềm năng, thế mạnh mới đó là phát triển du lịch biển. Với Tỉnh Thái Bình cũ có các sản phẩm chính như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và trải nghiệm. Cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển. Biển vô cực hút khách du lịch.

Hưng Yên phát triển du lịch trong thời kỳ mới - Ảnh 2.

Vừa qua tỉnh Thái Bình cũ đã tổ chức Lễ khởi công 2 dự án trọng điểm: Dự án Đầu tư xây dựng Sân gôn Cồn Vành và Dự án Đầu tư xây dựng Khu bến cảng Hàng Lỏng Ba Lạt. Tạo động lực mới cho kinh tế biển và du lịch cao cấp phát triển.

Để khai thác tối đa giá trị di tích, hành trình kết nối di sản: “Một hành trình - nhiều điểm đến”. Tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai con đường kết nối di sản văn hóa – tâm linh, kết hợp giữa các điểm đến trong tỉnh và mở rộng liên kết với các tỉnh bạn như Hà Nội, Hải Dương và Thái Bình cũ. Coi đây là hướng đi chiến lược để khai thác tiềm năng, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và kết nối di sản không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, mà còn lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc tới cộng đồng trong nước và quốc tế.

Hưng Yên phát triển du lịch trong thời kỳ mới - Ảnh 3.

Tuyến đường kết nối di sản dọc sông Hồng có chiều dài hơn 55 km với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng

Phố Hiến được coi là hạt nhân trên bản đồ du lịch tâm linh Bắc Bộ. Nhắc đến Phố Hiến - vùng đất từng là thương cảng quốc tế nổi tiếng. Tại đây, quần thể hơn 100 di tích, bao gồm các đền, chùa, đình, nghè… đã tạo thành hệ thống di sản đa tôn giáo, đa văn hóa tiêu biểu hiếm thấy ở đồng bằng Bắc Bộ.

Các điểm nổi bật như Đền Trần, Chùa Hiến, Văn Miếu Xích Đằng, Chùa Chuông, Đền Mẫu... không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa lịch sử.

Một số tuyến du lịch tâm linh - văn hóa đang được phát triển: Tuyến Phố Hiến - Đền Đa Hòa - Dạ Trạch - Văn Giang: Gắn liền truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, các nghi lễ dân gian và tín ngưỡng bản địa; Tuyến du lịch đường sông từ Hà Nội về Hưng Yên qua sông Hồng, kết nối các chùa ven sông, trải nghiệm tâm linh kết hợp sinh thái; liên kết di sản với Hải Dương - Thái Bình - Hà Nam 3 tỉnh cũ, hình thành “mạch tâm linh đồng bằng Bắc Bộ”.

Hưng Yên phát triển du lịch trong thời kỳ mới - Ảnh 4.

Cảnh biển Vô cực Thái Bình (NSNA Tô Mạnh)

Việc xây dựng các tuyến du lịch kết nối không chỉ tăng thời gian lưu trú của du khách mà còn tạo chuỗi giá trị đa tầng, từ tín ngưỡng, lịch sử đến ẩm thực và làng nghề truyền thống.

Hưng Yên không chỉ coi trọng phát triển du lịch theo chiều rộng, mà còn chú trọng đến chất lượng, giá trị và tính bền vững. Mô hình "du lịch xanh", gắn bảo tồn với phát triển đang được thử nghiệm tại các điểm du lịch sinh thái như: trang trại Ecogarden, khu du lịch Đại Đồng – Văn Giang, hay làng nông nghiệp sạch ở Khoái Châu.

Việc đảm bảo môi trường, xây dựng du lịch bền vững được xác định là hướng đi trọng tâm. Tỉnh Hưng Yên xác định du lịch là ngành “công nghiệp không khói” và ưu tiên phát triển theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo, hấp dẫn, hiện đại và giàu bản sắc văn hoá, gắn kết đa ngành. Trở thành nơi không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Chuyển đổi số và xúc tiến quảng bá di sản

Theo ông Hiệu, trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, tỉnh Hưng Yên mới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá và vận hành du lịch. Nhiều địa phương trong tỉnh đã áp dụng mã QR tại di tích, xây dựng bản đồ số du lịch, số hóa tư liệu lịch sử và phát triển các nền tảng giới thiệu điểm đến trên mạng xã hội. Tỉnh cũng tiên phong áp dụng công nghệ vào quảng bá du lịch tâm linh. Nhiều di tích lớn đã được số hóa dữ liệu, xây dựng bản đồ 3D, ứng dụng mã QR, xây dựng bản đồ số du lịch và phát triển các nền tảng giới thiệu điểm đến trên mạng xã hội. Nâng cao hiệu quả quảng bá, tiếp cận khách hàng nội địa và quốc tế, góp phần định vị tỉnh Hưng Yên mới là điểm đến văn hóa - tâm linh hấp dẫn trong khu vực.

Hướng tới xây dựng hạ tầng du lịch bài bản, thu hút vốn tư nhân và doanh nghiệp lớn. Tỉnh Hưng Yên mới đặc biệt quan tấm tới các dự án dịch vụ du lịch phức hợp, khu lưu trú, đường sông trải nghiệm và phục dựng Kinh đô Phố Hiến cổ đang được ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó kêu gọi đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông, bến thuyền, bãi đỗ xe tại các di tích lớn, đồng thời đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, người dân làm du lịch chuyên nghiệp.

Cùng với đó, việc hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và lữ hành lớn giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường du lịch nội địa và quốc tế - nhất là nhóm khách trẻ và khách du lịch tự túc.

Song song, tỉnh Hưng Yên đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn Di sản gắn với phát triển bền vững. Trước yêu cầu gìn giữ di sản trong bối cảnh phát triển du lịch, Hưng Yên đã chú trọng trùng tu, tôn tạo di tích, đồng thời lồng ghép các chương trình giáo dục truyền thống, hoạt động trải nghiệm vào không gian tâm linh. Trong đó người dân vừa là chủ thể giữ gìn di sản, vừa là người làm du lịch - tạo thu nhập ổn định và nâng cao nhận thức bảo tồn văn hóa.

Các nhóm giải pháp - từ cơ chế chính sách, đột phá hạ tầng, đào tạo nhân lực đến chuyển đổi số và liên kết vùng, được triển khai đồng bộ, quyết liệt, Hưng Yên hoàn toàn có cơ hội trở thành điểm sáng du lịch phía Bắc vào năm 2025 và tiếp tục bứt phá hơn nữa trong tương lai.

Với tài nguyên di sản phong phú, hệ thống di tích đa dạng, cùng quyết tâm chính trị rõ ràng và chiến lược phát triển phù hợp. Hưng Yên mới đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm du lịch tâm linh của vùng đồng bằng sông Hồng và có cơ hội trở thành điểm sáng du lịch phía Bắc vào năm 2025 và tiếp tục bứt phá hơn nữa trong tương lai.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×