Họp Hội đồng thẩm định nghiệm thu Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045"
31/10/2023 | 16:28Sáng 31/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định nghiệm thu Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
TS.Nguyễn Thế Hùng, Vụ Trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Ngày 01/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Bộ VHTTDL được Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi phía Bắc Bộ giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Để triển khai xây dựng Đề án theo nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ phân công, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ dự thảo Đề án gồm: Đề án, Quyết định, Tờ trình Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình xây dựng Hồ sơ dự thảo Đề án, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Đề án đã thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định và bảo đảm tính khoa học.
Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban Soạn thảo Đề án cho biết: Về cấu trúc, dự thảo Đề án gồm 03 phần chính: Sự cần thiết ban hành Đề án; Đánh giá thực trạng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hiện nay; Đề xuất xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu chung là phát triển thư viện cơ sở (bao gồm thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng, không gian đọc và phòng đọc cơ sở) vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 dựa trên việc tích hợp các nguồn lực sẵn có tại cơ sở, đổi mới mô hình, phương thức hoạt động thiết thực, linh hoạt, hiệu quả gắn với chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ thông tin phù hợp với người sử dụng, tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin, từ đó hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề ra 05 chỉ tiêu cụ thể theo từng giai đoạn cùng 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính..
Sau thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án, Ban Soạn thảo đã nhận được 22 ý kiến góp ý từ các Bộ ngành; 55 ý kiến từ các tỉnh, thành phố, địa phương; 9 ý kiến từ các đơn vị thuộc Bộ.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định nhận định Đề án này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Dự thảo Đề án đã đưa ra được các luận cứ rõ ràng, khoa học, có tính thuyết phục, số liệu, dẫn chứng khách quan. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra đầy đủ, hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới gắn với quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu lại về các chỉ tiêu cụ thể đặt ra sao cho bám sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo tính chính xác và khả thi.
Theo TS.Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng, Dự thảo Đề án cần phải làm rõ và bổ sung thêm các thông tin để làm rõ hơn về các ưu, nhược điểm của từng mô hình thư viện; cần chú ý đến tính pháp lý; đồng thời cần phải nghiên cứu để đưa ra các chỉ tiêu cụ thể một cách hợp lý.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, Ban Soạn thảo đề án sẽ tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện nội dung đề án, đảm bảo được tiến độ và chất lượng./.