Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ: Một nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội

16/03/2023 | 08:43

Ngày 15/3, tại di tích đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ".

Tới dự tọa đàm có ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Đình Khuyến Chủ tịch UBND quận Tây Hồ... cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, tọa đàm có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng như: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS sử học Lê Văn Lan; PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Trần Lâm Biền...

Trong suốt chương trình tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ giá trị của di sản Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ. Từ đó, đưa ra những định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành chịu nhiều tác động từ quá trình đô thị hóa.

Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ: Một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

Theo đó, ý kiến từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, cần sớm xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Hội thề vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết, xác thực theo truyền thống để tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ, trong đó có lớp trẻ tại các hoạt động ngoại khóa trong nhà nước… Ngoài ra, ngành Văn hóa cần phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch, kết nối điểm đến di sản với các di sản trong khu vực nhằm kích cầu du lịch văn hóa.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hồ sơ cần tập trung nêu rõ 6 giá trị, 3 giải pháp. Trong đó, cần nhấn mạnh về khía cạnh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng. Điều đó chứng tỏ, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống, sống trong đời sống đương đại.

Hồ sơ về Hội thề trung hiếu cần nhấn mạnh giá trị về sự trao truyền hội thề qua các thế hệ để có định hướng trong bảo tồn, phát huy giá trị.

Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ: Một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội - Ảnh 2.

Đền Đồng Cổ

Đối với các giải pháp để phát huy các giá trị, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, cần kết nối đền Đồng Cổ với các di tích khác trên địa bàn quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Tiếp theo, cần tăng cường giáo dục di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ”. Và về phía chính quyền cần có kế hoạch chỉnh trang, mở rộng không gian di sản đền Đồng Cổ, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định: “Đền Đồng Cổ gắn liền với Hội thề Trung hiếu là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chỉ ở đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu - một lễ hội độc đáo, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách con người Việt Nam, truyền thống Việt Nam”.

Hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản và ý nghĩa của “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ”. Hoạt động cũng nhằm nâng cao ý thức của người dân, khách du lịch trong việc bảo vệ di sản để giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm.

Quận Tây Hồ cũng đã xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL đưa “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ phường Bưởi” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đền Đồng Cổ có mặt ở thành Thăng Long từ thời Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô dựng nước. Nơi đây thờ thần Đồng Cổ - trống đồng Đông Sơn, một trong nhiều biểu tượng đặc sắc cho cội nguồn văn minh nước Việt. Tại không gian di sản này, Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều đại Lý, đã khởi dựng Hội thề trung hiếu, duy trì hằng năm nhằm khẳng định, bồi đắp niềm tin, lòng trung hiếu, quyết tâm bảo vệ triều đình, đất nước. Tham gia hội thề là các tôn thất, quan lại trong triều đình cùng thực hiện nghi thức tế lễ và tuyên thề trước đông đảo dân chúng.Chính vì vậy, lễ hội còn được coi là lễ hội của triều đình, của quốc gia, khai thác triệt để sức mạnh niềm tin vào sự đồng thuận của triều đình và toàn xã hội, vì sự toàn vẹn của vương triều, thể chế.


Bạch Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×