Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu văn hóa”
24/12/2021 | 21:55Sáng ngày 24/12/2021, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: "Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng".
Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trên các nền tảng số đã thu hút sự tham gia của các lãnh đạo hai Trường Đại học, các chuyên gia quản lý văn hóa, các nhà khoa học Việt Nam và một số nhà khoa học quốc tế, các bạn đồng nghiệp cùng anh chị em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN khẳng định vai trò, tiềm năng, động lực và xu thế phát triển của hệ thống thương cảng, hoạt động kinh tế, bang giao của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại. Việc tổ chức Hội thảo Khoa học "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng" nhằm hướng đến những nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ, khảo cứu chuyên sâu tiềm năng, thế mạnh của từng thương cảng nhằm hướng đến một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về hoạt động, vai trò, vị thế của hệ thống thương cảng miền Trung trong mối liên hệ vùng, liên vùng.
Hội thảo chia làm 2 phiên: Phiên toàn thể với nội dung "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Bối cảnh, tiềm năng, vị thế" và phiên chuyên môn được tổ chức thành hai tiểu ban với các chủ đề: "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Hoạt động kinh tế và giao lưu kinh tế vùng, liên vùng" và "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Các vấn đề văn hóa và giao lưu văn hóa".Hầu hết các bài tham luận đều thống nhất trong vấn đề: Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu văn hóa với 5 vấn đề chính sau:
Thứ nhất, Nghiên cứu một cách hệ thống quá trình hình thành, phát triển của hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ qua các thời kỳ lịch sử (cơ sở hình thành, quá trình phát triển, tiềm năng kinh tế của các thương cảng…).
Thứ hai, Làm rõ các khái niệm, lý thuyết về kinh tế biển; hoạt động và các tuyến giao lưu kinh tế, thương mại khu vực, quốc tế; vị trí của biển - đại dương và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ với sự phát triển của các quốc gia Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam; vai trò đầu mối, chuyển giao của các thương cảng Bắc Trung Bộ; tri thức biển, truyền thống văn hóa biển; cách thức tiếp cận từ biển đảo trong nhìn nhận, phân tích, đánh giá về đặc tính lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Thứ ba, Phân tích tiềm năng tự nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trung tâm nguyên liệu, sản xuất thủ công, các nguồn hàng sản xuất, khai thác, trao đổi; vai trò, hoạt động, quan hệ của các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ với các vùng, không gian kinh tế của Việt Nam, làm rõ những đóng góp của các cộng đồng cư dân, các nền văn hóa biển, cộng đồng thương nhân trong và ngoài nước với miền Trung và các thương cảng của Việt Nam.
Thứ tư, Tiếp tục nghiên cứu về đặc trưng văn hóa, xã hội của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ; đồng thời làm rõ tiềm năng, thế mạnh của không gian văn hóa biển Bắc Trung Bộ; chiều sâu, tính đa dạng, xu thế phát triển không gian văn hóa biển này hiện nay cũng nhưng trong tương lai.
Thứ năm, Hội thảo sẽ có một số đề xuất, kiến nghị về vai trò của nghiên cứu biển và hải đảo trong việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam, đề xuất một số giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa biển.
Với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia quản lý văn hóa, các nhà khoa học Việt Nam và một số nhà khoa học quốc tế, các bạn đồng nghiệp cùng anh chị em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hội thảo không chỉ khai thác được nhiều nguồn tư liệu mới, trong đó có những nguồn tư liệu về khảo cổ học, văn hóa học, điều tra nhân học v.v... để tiếp tục làm sáng tỏ truyền thống biển Việt Nam và những mối liên hệ vùng, liên vùng rộng lớn của các thương cảng, trung tâm kinh tế Bắc Trung Bộ với các thị trường, nguồn cung cấp hàng hóa, các vùng nguyên liệu từ các châu thổ miền Trung, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và của các quốc gia Đông Nam Á, châu Á và Thế giới.