Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo “Chia sẻ kết quả rà soát việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình”

15/12/2016 | 09:26

Sáng 14/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kết quả rà soát việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình” (BLGĐ) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức.

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam – bà Astrid Bant, Vụ Gia đình – Bộ VHTTDL cùng đại diện các cơ quan, ban ngành… liên quan.



Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên tại Hội thảo. Ảnh: Minh Khánh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhấn mạnh: Luật phòng, chống BLGĐ có hiệu lực từ 1/7/2008, sau gần 10 năm thực hiện, việc rà soát tình hình triển khai luật cũng như xem xét sự tương thích của luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ năm 2015, Bộ VHTTDL đã phối hợp với quỹ dân số LHQ tại Việt Nam nghiên cứu tình hình thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Sau hơn một năm triển khai đến nay việc nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành.

Để chia sẻ kết quả rà soát việc thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ ở Việt Nam trong thời gian qua, Bộ VHTTDL phối hợp Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo. Các phát hiện, khuyến nghị từ nghiên cứu độc lập này là một trong những cơ sở để tiếp tục hoàn thành Luật phòng, chống BLGĐ tại Việt Nam. Vì vậy Hội thảo rất mong nhận được chia sẻ, sáng kiến cũng như những khó khăn bất cập trong quá trình triển khai Luật phòng, chống BLGĐ trong thời gian qua. Cùng với đó, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông trong phòng, chống BLGĐ và mong rằng tiếp tục nhận được sự đồng hành của báo chí trong quá trình hoàn thành hệ thống pháp luật về phòng, chống BLGĐ.



Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam tại Hội thảo
Ảnh: Minh Khánh.
 
Tiếp đến, bà Astrid Bant – Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam đánh giá cao việc Bộ VHTTDL cùng UNFPA tổ chức Hội thảo. Bà cũng đánh giá cao việc chủ động ứng phó với tình hình BLGĐ của Chính phủ Việt Nam bằng việc đã ban hành, thực hiện và thúc đẩy biện pháp thực thi Luật phòng, chống BLGĐ. Tuy nhiên tình hình BLGĐ vẫn còn ở tỉ lệ cao. Sau gần 10 năm  thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ cần nhìn nhận và đánh giá lại xem còn phù hợp với Việt Nam và các công ước Việt Nam đã tham gia là cần thiết. Bà Astrid Bant cũng đưa ra 9 kiến nghị với Chính phủ Việt Nam nhằm mong muốn Luật phòng, chống BLGĐ có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phần trình bày kết quả rà soát việc thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ do TS. Nguyễn Văn Cương đại diện nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện. Theo TS. Nguyễn Văn Cương, do thời gian và kinh phí hạn hẹp nên việc rà soát độc lập có quy mô không lớn, chỉ diễn ra ở hai tỉnh Hải Dương và Cần Thơ, sử dụng 3 phương pháp thu nhập dữ liệu định tính.



TS. Nguyễn Văn Cương - Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn tại Hội thảo. Ảnh: Minh Khánh.


Từ kết quả của việc rà soát, nhóm chuyên gia tư vấn đã đưa ra 8 kết luận chính: Những yếu tố cản trở việc thực thi Luật phòng, chống BLGĐ; Việc nhấn mạnh quá mức tới giá trị văn hóa trong gia đình trong quy định của Luật phòng, chống BLGĐ; Văn hóa gia đình Việt Nam được đề cao như là giải pháp cho vấn đề BLGĐ; Sự phân định trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan tới các đạo luật về bình đẳng giới còn chồng lấn; Những tiến bộ trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Luật phòng, chống BLGĐ; Sự thành công của mô hình phòng, chống BLGĐ do Bộ VHTTDL xây dựng; Hệ thống theo dõi, đánh giá việc thực thi Luật phòng, chống BLGĐ được thiết lập; Nguồn nhân lực và tài chính dành cho hoạt động phòng, chống BLGĐ còn hạn chế.

Sau phân tích, đánh giá trên, nhóm chuyên gia cũng đưa ra 9 khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất Quốc hội Việt Nam điều chỉnh các quy định của Luật phòng, chống BLGĐ để đảm bảo sự tương thích cao hơn của Luật này với các chuẩn mực quốc tế và với Hiến pháp năm 2013. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận và đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực cho nhóm chuyên gia tư vấn.


Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Khánh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao và ghi nhận tinh thần làm việc của các đại biểu trong Hội thảo. Tuy nhiên, nhận thức về phòng, chống BLGĐ cần phải được tuyên truyền rộng rãi, phải coi vấn đề phòng, chống BLGĐ như một cuộc “cách mạng” với sự tham gia của cả xã hội và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Mục tiêu của phòng, chống BLGĐ là một phần quan trọng của đạo đức xã hội. Do đó, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương tới địa phương. Luật phòng, chống BLGĐ dự kiến được Bộ VHTTDL xem xét sửa đổi vào năm 2017 và các ý kiến từ Hội thảo là cơ sở tham khảo, tiếp thu để chỉnh sửa phù hợp. Cuối cùng, Thứ trưởng mong muốn được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để việc thực hiện đạt hiệu quả cao./.

Hà Anh



Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×