Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hồi sinh câu Hát Xoan trên Đất Tổ

21/02/2018 | 07:30

Lần đầu tiên trong lịch sử UNESCO, một di sản được chuyển từ trường hợp “khẩn cấp” sang “đại diện” cho thấy nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sau 6 năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hát Xoan Phú Thọ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử UNESCO, một di sản được chuyển từ trường hợp “khẩn cấp” sang “đại diện” cho thấy nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Di sản trở thành sinh hoạt văn hóa hàng ngày

Từ di sản cần được bảo vệ khẩn cấp trở thành di sản đại diện, không phải chỉ là hành trình 6 năm qua mà là sự nỗi lực, thống nhất trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản của các cấp quản lý địa phương và người dân Phú Thọ. Hiếm có di sản nào có sự phục hồi mạnh mẽ như Hát Xoan.

Hát Xoan đã xây dựng được đông đảo đội ngũ nghệ nhân có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ

Trước đây, khi Hát Xoan chưa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, không ít lần di sản này đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi những biến cố lịch sử, bởi sự tàn phá của thiên tai, địch họa. Toàn tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép Xoan hoạt động không đều, trong đó quá nửa đã trên 60 tuổi; có 13 CLB Hát Xoan với gần 300 thành viên, 15 nghệ nhân lão thành và chỉ có 7 người còn khả năng thực hành, truyền dạy. Chia sẻ về những khó khăn trong việc duy trì và bảo tồn Hát Xoan tại thời điểm này, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, nhiều di tích đình, đền, miếu bị tàn phá khiến cho Hát Xoan bị đứt đoạn, không gian trình diễn hát Xoan cũng vì thế mà mai một dần”.

Nhận thức được giá trị quý báu của di sản, trước thực trạng di sản Hát Xoan đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền bởi giới trẻ không được truyền dạy kịp thời và các nghệ nhân đang thưa vắng dần do tuổi cao, sức yếu; môi trường trình diễn Hát Xoan là các di tích thì một số bị mất hoàn toàn, số còn lại phần lớn đã xuống cấp; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân chưa được quan tâm, thiếu các kế hoạch bảo tồn... Bởi vậy, ngay sau khi được UNESCO công nhận “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (ngày 24/11/2011), Phú Thọ đã có những nỗ lực trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan, làm cho di sản Hát Xoan thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng.

Đến nay, Phú Thọ đã có 34 câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.557 người tham gia thực hành Hát Xoan, tăng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2011. Ngoài ra, Hát Xoan còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 64 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp huyện với 1.325 thành viên tham gia; 42 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp xã với trên 1.400 thành viên. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được đội ngũ nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ.

Phú Thọ cũng đi đầu trong việc vinh danh phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hát Xoan. Đặc biệt, hiện đã hình thành ba thế hệ Hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng. 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. 100% trường học ở các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình học ngoại khóa với các bài Hát Xoan phù hợp.

Tại Việt Trì - thành phố có nhiều di tích và các làng Xoan cổ, là nơi phát tích của làn điệu Hát Xoan, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đăng ký 5 trường thực hiện mô hình điểm “Trường học gắn với Hát Xoan”, các trường còn lại tùy theo đặc điểm của nhà trường lựa chọn mô hình cho phù hợp. Các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã đưa Hát Xoan đến với học sinh của trường bằng nhiều hình thức phong phú như: Mời nghệ nhân ở các phường Xoan gốc đến dạy học sinh trong giờ hoạt động giáo dục tập thể toàn trường; dạy học sinh hát Xoan trong giờ âm nhạc, trong các giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội. Ngoài ra, nhiều trường còn xây dựng câu lạc bộ Hát Xoan ở tất cả các khối lớp; thường xuyên tổ chức giao lưu các câu lạc bộ Hát Xoan trong trường với nhau hay giao lưu với các nghệ nhân, thiếu nhi ở các phường Xoan gốc và tham gia các hội diễn Hát Xoan…

Công tác đầu tư, tu bổ các di tích gắn với sự ra đời của Hát Xoan đã được đặc biệt quan tâm; 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện cho trình diễn Hát Xoan thờ Thần.

Khai thác di sản thành sản phẩm du lịch

Hồi sinh được di sản nhưng để di sản ấy tiếp tục có được sức sống thì yêu cầu đặt ra là phải khai thác di sản, để di sản đem lại lợi ích cho những chủ thể sở hữu. Đó cũng chính là cách bảo tồn di sản một cách bền vững.

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ biết: Ngay sau khi Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ năm 2018. Các công việc thực hiện phải bám sát nội dung Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo đồng bộ theo các quy định của Công ước UNESCO và văn bản hướng dẫn thực hiện Công ước, Quyết định của Ủy ban Liên Chính phủ và trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm những năm trước đây để bổ sung cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, phát huy được ý thức, trách nhiệm, nhiệt tình của các nghệ nhân, nhân dân ở các phường Xoan gốc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan.

Ngoài ra, để duy trì bảo tồn nghệ thuật Hát Xoan bền vững thì việc đưa Hát Xoan gắn với phát triển du lịch là điều cần thiết để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước hiểu và trải nghiệm di sản Hát Xoan ngay tại nơi Xoan phát tích. Đây cũng là một trong những quan điểm để phát huy giá trị di sản đã được nhất quán trong chương trình hành động bảo tồn giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ được Bộ VHTTDL phê duyệt.

Những con số thống kê cũng cho thấy, Phú Thọ đã chú trọng đến việc khai thác giá trị di sản, gắn di sản vào phát triển du lịch. Nếu như năm 2016, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh mới đón 200 đoàn với gần 8.000 lượt khách du lịch tham quan, thưởng thức Hát Xoan làng cổ thì cũng chương trình này năm 2017, Trung tâm đã đón 400 đoàn với trên 10.000 lượt du khách tham gia.

Du lịch Phú Thọ gắn với thưởng thức Hát Xoan đã trở thành một lịch trình không thể thiếu của mỗi đoàn khách du lịch khi về với miền Đất Tổ. Cũng vì thế mà không gian trình diễn Xoan đang từng bước được mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Biểu diễn Hát Xoan phục vụ du khách không chỉ diễn ra ở riêng vùng phát tích của Xoan là những vùng ven Đền Hùng như Đền Hùng Lô hay Miếu Lãi Lèn nữa mà đã lan sang cả Đình làng Đào Xá (Thanh Thủy) và một số khu vực đền, đình cổ ở các địa phương khác trong tỉnh. Để quảng bá cho Hát Xoan được đông đảo mọi người biết đến nhiều hơn, các phường Xoan gốc còn được mời tham gia nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng ở tỉnh cũng như quốc gia như: Tết Việt; Hội chợ Du lịch quốc tế; Tuần lễ Asean - Việt Nam đất nước con người... Ở mỗi sự kiện với hàng ngàn người tham gia, lối trình diễn độc đáo mà cũng rất đỗi mộc mạc của Hát Xoan đều đã thu hút sự chú ý của hầu hết  du khách.

Còn ông Nguyễn Đức Hòa - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: "Đưa Hát Xoan vào khai thác du lịch không chỉ nhằm phát huy giá trị của di sản này trong thực tiễn đời sống mà đó chính là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi di sản sẽ chỉ được bảo tồn khi nó thường xuyên được thực hành. Nếu chỉ là biểu diễn sự kiện hoặc biểu diễn quảng bá thì dần dà cũng sẽ lắng dần. Chỉ khi là sản phẩm du lịch, thường xuyên thực hành biểu diễn phục vụ du khách thì hát Xoan mới thực sự được bảo tồn và trao truyền"./.

Hồng Gấm

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×