Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16: Hiệu quả từ quảng bá đối ứng

13/09/2018 | 08:46

Tại hội nghị Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA 16) vừa diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã đánh giá lại hiệu quả của việc liên kết trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển du lịch chung của các thành phố thành viên trong thời gian tới.

 Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sau CPTA 15 năm 2016, Hà Nội đã thực hiện quảng bá đối ứng giữa Hà Nội và TP Tokyo trong 2 năm. Theo đó, phía Tokyo đã treo hàng ngàn áp-phích quảng cáo du lịch Hà Nội trong các toa tàu điện ngầm; quảng cáo du lịch Hà Nội trên 20 bảng led tại nhà ga tàu điện ngầm Toei và 4 tuyến tàu điện ngầm của Tokyo gồm: Asakusa Line, Mita Line, Shinjuku Line và Oedo Line. Trong khi đó, Hà Nội chiếu clip 30s quảng bá du lịch Tokyo tại màn hình led khu vực đền Bà Kiệu, rạp Kim Đồng; đăng bài viết quảng bá du lịch Tokyo trên báo chí; treo 4 tấm áp phích khổ lớn quảng cáo du lịch Tokyo. Chương trình này cho thấy những hiệu quả rõ nét.

 Lãnh đạo TP Hà Nội trao quà cho các thành viên CPTA

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2014, từ hiệu ứng quảng bá của TP Hà Nội, lượng khách Nhật Bản đến Hà Nội tăng 16%, đạt khoảng 218.000 lượt khách, đứng thứ 3 trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội. Năm 2015, lượng khách Nhật Bản đến Hà Nội tăng khoảng 5% đạt 228.000 lượt. Năm 2016, tăng 4% đạt 238.000 lượt. Sau 2 năm, khách du lịch Nhật Bản luôn giữ vị trí top 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội. Năm 2017, khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nội là 290.170 lượt khách, tăng trưởng 22% so với năm 2016. Bảy tháng đầu năm 2018, du lịch Hà Nội đã đón 166.437 lượt khách Nhật Bản, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khách Nhật Bản đến Hà Nội chiếm thị phần khá với khoảng từ 30 - 32% tổng lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam. Nhận thấy hiệu quả rõ nét từ chương trình quảng bá đối ứng, Sở Du lịch Hà Nội đang nghiên cứu để đề xuất quảng bá đối ứng với Thủ đô của Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch CPTA Yuji Fujita, Hội nghị năm nay đã tạo cơ hội để các thành phố thành viên tập trung thảo luận, đánh giá những công việc đã triển khai; hoạch định và thống nhất các kế hoạch, dự án mới. Bên cạnh đó, các thành viên đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch của mạng lưới các TP lớn châu Á; nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các tổ chức, doanh nghiệp các TP thành viên; các vấn đề liên quan đến hợp tác, xúc tiến chiến dịch “Chào mừng đến với châu Á”. Đồng thời, phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của các quốc gia thành viên. Bên cạnh những cuộc thảo luận, Hội nghị năm nay cũng bàn đến việc tiếp tục tổ chức cuộc thi ảnh du lịch của các TP, cuộc thi này diễn ra hai năm qua, thu hút nhiều người chụp những bức ảnh đẹp về phong cảnh, về du lịch các TP. Ban tổ chức mong cuộc thi ảnh này sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới và phát triển trên cả thế giới. “Hy vọng rằng sau hội nghị năm nay, các đại biểu đến từ các TP thành viên có tiếng nói để hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong phát triển du lịch", Chủ tịch CPTA cho biết.

Nhấn mạnh về những kế hoạch mà cả 10 TP thành viên của CPTA cần phải thực hiện trong thời gian tới, ông Khairul Anuar Bin MHD.Juri, Giám đốc Sở Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Kuala Lumpur (Malaysia) khẳng định, khu vực châu Á là nơi tập trung đa phần những nền văn hóa và di sản truyền thống lâu đời, do vậy nếu muốn thúc đẩy phát triển du lịch, các TP thành viên CPTA cần đưa ra những chương trình hợp tác chung. Điển hình như việc tăng cường quảng bá du lịch tại cả 10 TP thành viên. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực trẻ, bởi họ là những người am hiểu về công nghệ thông tin. Xây dựng những chương trình xúc tiến du lịch với sự tương tác trên mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram, sử dụng những từ khóa, ví dụ như CPTA 2020. Đối với khách du lịch châu Âu và châu Mỹ, họ rất coi trọng những vấn đề liên quan tới di sản văn hóa, đây là thế mạnh của các nước châu Á, do vậy các nước thành viên cần nhấn mạnh vào yếu tố này khi muốn thu hút khách du lịch từ những khu vực châu Âu và châu Mỹ. Các TP thành viên cần tích cực hơn trong các dự án hoạt động chung, bởi nó hoàn toàn miễn phí và có thể hỗ trợ lẫn nhau, bằng việc kết hợp nguồn lực như vậy, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong phát triển du lịch. 

 Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á gồm các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thuộc 10 TP thành viên trong mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21): Tokyo, Bangkok, New Delhi, Kuala Lumpur, Jakarta, Seoul, Đài Bắc, Metropolitan Manila, Tomsk và Hà Nội. Trong đó, Giám đốc Cục Lao động và Công nghiệp Tokyo là Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á và Ban Thư ký Hội đồng là đơn vị thường trực của Hội đồng nằm trong cơ quan này.

Theo baovanhoa.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×