Hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”
28/12/2020 | 17:10Sáng 28/12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020.
Tới dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thị Phương Lan; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả hơn ba năm triển khai Đề án, những thành tựu, tồn tại, hạn chế; xác định phương hướng và các giải pháp cụ thể tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã báo cáo tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, qua hơn 3 năm triển khai Đề án, các thư viện trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích, giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Cùng với ngành thư viện, ngành xuất bản đã có những đổi mới và phát triển. Hình thức và nội dung, số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Trong giai đoạn 2017-2020, Bộ VHTTDL đã chú trọng chỉ đạo các thư viện trong cả nước triển khai đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ, cải cách thủ tục và hoạt động cấp thẻ thư viện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đáp ứng với các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và xu thế phát triển.
Qua việc triển khai Đề án, người dân Việt Nam đã có thêm cơ hội tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức. Từ đó lan tỏa văn hóa đọc, các giá trị chân thiện mỹ sẽ được trao truyền để phát trị trí tuệ, kỹ năng sống và nuôi lớn những tâm hồn, góp phần hình thành con người Việt Nam toàn diện với đức, trí, thể, mĩ. Sự nỗ lực từ những người làm công tác quản lý nhà nước, những người làm công tác thư viện, xuất bản, phát hành và sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, cộng đồng và nhiều tấm lòng nhân ái, văn hóa đọc nước nhà đã phát triển, mục tiêu của Đề án Phát triển văn hóa đọc đã từng bước được thực hiện góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Một trong những dấu ấn trong triển khai Đề án là Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" do Bộ VHTTDL tổ chức. Cuộc thi đã trở thành một hoạt động được học sinh sinh viên trong cả nước hưởng ứng. Năm 2019, Cuộc thi đã thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên, năm 2020 thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia. Sự kiện đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.
Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ VHTTDL tiếp tục mở rộng triển khai các chương trình phối hợp công tác với Bộ, ngành, tổ chức liên quan nhằm mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phạm nhân… Năm 2019, Bộ VHTTDL (Vụ Thư viện) đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác với Hội Người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị. Riêng năm 2020, 4 chương trình phối hợp công tác đã được Vụ Thư viện triển khai với Quỹ Đổi mới giáo dục phổ thông và 3 nhà xuất bản, nhà sách. Năm 2020, Vụ Thư viện đã phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức 2 cuộc thi "Gia đình đọc sách-Gắn kết yêu thương" và "Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch HCM" dành cho người khiếm thị.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc vẫn còn hạn chế. Từ đó dẫn đến việc thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan cho hoạt động phát triển văn hóa đọc. Kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án chưa được bố trí đồng đều giữa các địa phương, bộ, ngành. Hiện tại vẫn còn một số thư viện cấp tỉnh vẫn chưa có trụ sở riêng biệt (như Hà Nam, Bình Phước, Đắk Nông, Lào Cai…); hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí để bổ sung vốn tài liệu; tại một số nơi, cơ sở vật chất của thư viện các cấp còn nghèo nàn, cũ kỹ… Một số thư viện còn thụ động, thiếu sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động...
Nhằm phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những khó khăn tồn tại, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cũng đóng góp ý kiến vào phương hướng tiếp tục thực hiện Đề án trong giai đoạn tới.
Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã tổ chức trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020 cho 15 tập thể và 9 cá nhân; trao bằng khen cho 10 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Đề án. Ngoài ra Vụ Thư viện cũng trao tặng tủ sách và máy tính cho một số thư viện địa phương và thư viện cá nhân.