Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị- Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL diễn ra ngày 26/10

25/10/2022 | 11:17

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ tổ chức "Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị - hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, các Bộ, Ban ngành, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT sẽ chủ trì Hội nghị- Hội thảo.

Hội nghị- Hội thảo Chuyển đổi số trong ngành VHTTDL diễn ra ngày 26/10 - Ảnh 1.

Hội nghị- Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL sẽ diễn ra ngày 26/10

Trung tâm Công nghệ Thông tin là cơ quan thường trực về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL và được Lãnh đạo Bộ giao là đầu mối tổ chức "Hội nghị - Hội thảo chuyển đổi số trong ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch". Ban tổ chức đã nhận được gần 40 bản tham luận công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền, thể thao, du lịch đến vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số.

Được chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết, khoa học từ thực tiễn đã và đang diễn ra trong cuộc sống, các tham luận tại Hội nghị sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội nghị- Hội thảo Chuyển đổi số trong ngành VHTTDL diễn ra ngày 26/10 - Ảnh 2.

Chương trình nghệ thuật online của Bộ VHTTDL trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh

Thứ nhất, tất cả các đơn vị tham luận đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi vì vấn đề số hóa đã được Lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, ngay khi Chính phủ điện tử được triển khai.

Thứ hai, trong một thời gian ngắn, các hoạt động chuyển đổi số trong ngành VHTTDL đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…

Thứ ba, những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VHTTDL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Hay khi thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng của ngành Văn hóa biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao ...

Hội nghị- Hội thảo Chuyển đổi số trong ngành VHTTDL diễn ra ngày 26/10 - Ảnh 3.

Tìm hiểu lịch sử không trực tiếp đến bảo tàng

Thứ tư, trên cơ sở Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin…

Các tham luận cũng sẽ nêu một số hạn chế, khó khăn và đề xuất các giải pháp, mong muốn Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.

Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm CNTT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, đơn vị đầu mối kết nối với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ban, ngành về chuyển đổi số, Trung tâm CNTT luôn chủ động cập nhật tình hình, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số theo giai đoạn và kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của Bộ, đồng thời Trung tâm luôn đồng hành, phối hợp và hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.

Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết: "Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTTDL. Ngoài ra, chúng tôi có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam".

"Có thể thấy, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì"- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Được biết, tại Hội nghị - Hội thảo chuyển đổi số trong ngành VHTTDL, Ban tổ chức cũng sẽ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Hệ thống cũng được triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, Thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×