Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Lan tỏa nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu

28/08/2023 | 14:26

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội nghị.

Cùng chủ trì Hội nghị có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt.

Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm đại biểu là cán bộ ngành văn hóa tiêu biểu trên cả nước, đồng thời được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu các Sở VHTTDL, Sở VHTT, UBND một số tỉnh, thành.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Lan tỏa nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho văn hóa

Vĩnh Phúc được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh. Làng văn hóa kiểu mẫu nhằm mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, có đột phá trong việc xây dựng các làng, thôn, bản khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng "thôn nông thôn mới kiểu mẫu" nhưng có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, có yếu tố khác biệt, đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc.

Hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là xây dựng các "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh đến 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" và lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của "Làng văn hóa kiểu mẫu" do cấp có thẩm quyền ban hành: đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng (28 thôn/làng/tổ dân phố và 02 tuyến phố) và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản như: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc…

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Lan tỏa nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu - Ảnh 2.

Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô chia sẻ tại Hội nghị

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 28/28 Khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng công trình thuộc 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Còn với tỉnh Bắc Ninh, sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả thực sự đi vào cuộc sống, đã thực hiện đầy đủ, toàn diện nội dung cam kết với UNESCO; là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Phó giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Nguyễn Xuân Trung chia sẻ: Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự hình thành của thiết chế nhà văn hóa, đặc biệt câu lạc bộ Quan họ đang bị mai một, chính vì thế, việc các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất đặc thù, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh được coi là một trong nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh. Tính đến hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ), hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.

Gắn bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch thông qua việc xây dựng các mô hình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số hiện đang là một trong những hướng đi tích cực được các địa phương trong đó có Yên Bái lựa chọn để giải quyết bài toán bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Lan tỏa nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu - Ảnh 3.

Phó giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Nguyễn Xuân Trung chia sẻ tại Hội nghị

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Toàn: "Thực hiện Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2011 về phê duyệt "Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020"; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013- 2020, định hướng đến năm 2030", trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao cho nhân dân.

Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chính trị cũng đầu tư xây dựng một số thiết chế như: Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà hát sân khấu ngoài trời phục vụ công nhân lao động cụm khu công nghiệp Mỹ Phước; Cụm sân bóng đá KCN Mỹ Phước với 06 sân đạt tiêu chuẩn và hằng năm đều duy trì tổ chức Đại hội thể dục thể thao cơ sở các Khu công nghiệp Mỹ Phước….

Song song với đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện như: Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng; phong trào thể dục thể thao; phát triển văn hóa đọc…. Qua đó, đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, thể dục thể thao của nhân dân và công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khích lệ các nghệ nhân

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án có liên quan. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 để xác định các giải pháp tổng thể cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tại các chương trình, đề án đã xác định những mục tiêu cụ thể cho công tác bảo tồn di sản văn hóa trong đó có dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số thông qua các giải pháp thiết thực như: Xây dựng và phát triển mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tôn vinh các nghệ nhân, đẩy mạnh truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Cùng với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, tỉnh Yên Bái có 312 nghệ nhân hiện đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy các di sản trong cộng đồng, là nòng cốt để duy trì các đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc. Tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai các chính sách tôn vinh các nghệ nhân trong cộng đồng, tạo động lực khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục cống hiến cho công tác truyền dạy các di sản văn hóa. Qua 03 lần xét tặng, tỉnh Yên Bái có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư kinh phí cho các lớp truyền dạy văn nghệ dân gian.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Lan tỏa nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu - Ảnh 4.

Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái Lê Thị Thanh Bình chia sẻ tại Hội nghị

Năm 2021-2022, đã triển khai hỗ trợ 15 lớp truyền dạy trong lĩnh vực di sản phi vật thể với tổng số tiền là 669,9 triệu đồng. Năm 2022 có 10 lớp truyền dạy được thụ hưởng chính sách với kinh phí là 446,4 triệu đồng, trong đó có các lớp truyền dạy nghề chế tác, biểu diễn khèn Mông; hát Khắp Cọi, dân ca, dân vũ dân tộc Tày; dân tộc Cao Lan; dân ca Thái (Khắp Thái).

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: "Sau khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, sự vào cuộc tích cực của ngành Văn hóa và Thể thao, các sở ban ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp, việc thành lập CLB dân ca Ví, Giặm và tập huấn, truyền dạy hát dân ca được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được gần 140 CLB dân ca ví, Giặm tại 21 huyện, thị thành, với gần 3000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 nghệ nhân ưu tú, 01 nghệ nhân Nhân dân. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu,… ngoài các đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,... các địa phương này cũng thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là cơ sở tiền đề thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời khai thác được các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, để khích lệ tinh thần của các nghệ nhân, năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An, quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Đối với các nghệ nhân khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thì ngoài các chế độ được hưởng theo quy định, được tỉnh hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/người/tháng đối với nghệ nhân nhân dân; 1.000.000 đồng/người/tháng đối với nghệ nhân ưu tú….

Năm 2013, UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, qua đó đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng của nghệ thuật ĐCTT trong nền âm nhạc Việt Nam. An Giang là một trong các tỉnh Nam Bộ sở hữu loại hình nghệ thuật ĐCTT. Chính vì thế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT luôn được quan tâm chỉ đạo, kịp thời và sâu sát của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023: Lan tỏa nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu - Ảnh 5.

Quang cảnh Hội nghị

Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VHTTDL An Giang cho biết, tỉnh đã tiếp tục xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2027. Trong đó, toàn tỉnh đã hình thành và duy trì hoạt động 12 đội Đờn ca tài tử chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ (cấp tỉnh 01 đội, mỗi huyện, thị, thành 01 đội nồng cốt, lưu giữ, quảng bá, thực hành kỹ năng thể hiện 20 bài bản tổ của Nghệ thuật ĐCTT).

Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT để bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các nghệ nhân ĐCTT đang sinh hoạt tại các phân hội, chi hội Sân khấu của hệ thống Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật trong tỉnh; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện. Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được 18 lớp truyền dạy….

Tổ chức các liên hoan, giao lưu, trình diễn về nghệ thuật ĐCTT cấp tỉnh, cấp huyện. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức Liên hoan ĐCTT hoặc Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang tổ chức Cuộc thi Tiếng hát Phát thanh – Truyền hình có nội dung lồng ghép loại hình nghệ thuật ĐCTT định kỳ 2 năm 1 lần. Đây là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và kiến nghị với các cơ quan, các cấp chính quyền những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật ĐCTT

Tổ chức quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về Nghệ thuật ĐCTT thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ; quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã hình thành và duy trì hoạt động 12 đội Đờn ca tài tử chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ (cấp tỉnh 01 đội, mỗi huyện, thị, thành 01 đội nòng cốt, lưu giữ, quảng bá, thực hành kỹ năng thể hiện 20 bài bản tổ của Nghệ thuật ĐCTT).

Thời gian tới, Sở VHTTDL An Giang sẽ triển khai tổ chức biểu diễn ĐCTT với hình thức "MiniShow" tại các khu, điểm du lịch để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về nghệ thuật ĐCTT, đồng thời tạo điểm nhấn cho khu, điểm du lịch thu hút du khách thăm quan nhằm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh./.

Hồng Hà- ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×