Hội nghị Bộ trưởng liên chính phủ khu vực Châu Á/Châu Đại Dương lần thứ 19 về phòng, chống doping trong thể thao thành công tốt đẹp
24/05/2024 | 17:09Hội nghị Bộ trưởng liên chính phủ khu vực Châu Á/Châu Đại Dương lần thứ 19 về phòng, chống doping trong thể thao được tổ chức tại Tashkent - Uzbekistan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thể thao Uzbekistan - ông Adkham Ikramov; Giám đốc Cơ quan phòng, chống doping quốc gia Uzbekistan (UzNADA) - ông Abdushukur Sadykov; Chủ tịch Tổ chức phòng, chống doping thế giới- ông Witold Bańka; Phó Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới - bà Yang Yang; Tổng Giám đốc Tổ chức phòng, chống doping thế giới - ông Olivier Niggli; Giám đốc Văn phòng WADA Châu Á/Châu Đại Dương - Tiến sĩ Yaya Yamamoto cùng hơn 30 đại diện từ các quốc gia khu vực châu Á, châu Đại Dương. Về phía Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến đã tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị Bộ trưởng liên chính phủ khu vực châu Á/Châu Đại Dương lần thứ 19 về phòng, chống doping trong thể thao, Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng giám đốc Cơ quan chống doping thế giới đã nhấn mạnh vai trò nổi bật của khu vực châu Á/Châu Đại Dương trong thể thao thế giới; đồng thời khuyến khích các quốc gia đại diện tiếp tục hợp tác để tăng cường hệ thống phòng, chống doping cho các vận động viên trên khắp hai châu lục.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổ chức phòng, chống doping thế giới Witold Bańka đã cảm ơn Chính phủ Uzbekistan đã tổ chức Hội nghị và biểu dương các đối tác của Cơ quan phòng, chống doping thế giới ở khu vực Châu Á và Châu Đại Dương vì những nỗ lực trong việc bảo vệ nền thể thao trong sạch.
Chủ tịch Witold Bańka cho biết: Châu Á và Châu Đại Dương đang đi đầu trong thể thao thế giới. Khu vực này là nơi tổ chức một số sự kiện thể thao lớn nhất trong thập kỷ qua, bao gồm ba Thế vận hội Olympic và Paralympic. Dự kiến, sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện thể thao lớn trong những năm tới, bao gồm Hội nghị thế giới về phòng, chống Doping lần thứ 6 được tổ chức tại thành phố Busan, Hàn Quốc vào đầu tháng 12 năm 2025.
Tổ chức phòng, chống doping thế giới nhận thấy tầm quan trọng của Châu Á/Châu Đại Dương đối với thể thao thế giới, với sự hiện diện ngày càng tăng của khu vực trong cơ cấu quản trị của Cơ quan chống doping thế giới và hy vọng điều đó sẽ tiếp tục trong những năm tới. Tuy nhiên, khi các quốc gia Châu Á/Châu Đại Dương đang đầu tư nhiều hơn vào công tác chống doping thì cần phải có nỗ lực phối hợp hơn của một số Tổ chức chống doping quốc gia trong khu vực và sự hỗ trợ đầy đủ từ các Chính phủ để tăng cường kiểm tra. Các nhà chức trách phải đảm bảo rằng số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để thực hiện các chương trình chống doping hiệu quả và việc kiểm tra là yếu tố then chốt trong đó.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới Yang Yang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và yêu cầu các vận động viên phải có trách nhiệm. Giáo dục vẫn là giải pháp lâu dài tốt nhất để bảo vệ các giá trị của thể thao trong sạch góp phần quan trọng của hệ thống phòng, chống doping toàn cầu.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Năm 2023, Việt Nam đã tiến hành thay đổi cấu trúc theo khuyến nghị của Cơ quan chống doping thế giới; sửa đổi Thông tư về phòng, chống doping theo Bộ luật phòng, chống doping thế giới; tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping theo quy định trong đó có 120 mẫu nước tiểu, 11 xét nghiệm mẫu máu ABP. Công tác giáo dục truyền thông đã hỗ trợ 1500 vận động viên hoàn thành chương trình giáo dục trên hệ thống ADEL và triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống doping tại các giải vô địch quốc gia. Cơ quan chống doping quốc gia Việt Nam đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Tổ chức phòng, chống doping Trung Quốc để phát triển chương trình chống doping hiệu quả tuân thủ Bộ luật và các Tiêu chuẩn quốc tế liên quan.
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Thông tư để tuân thủ Bộ luật cũng như triển khai các hoạt động hợp tác với Tổ chức phòng, chống doping Trung Quốc và các Cơ quan phòng, chống doping quốc gia khác nhằm triển khai hiệu quả hoạt động chống doping. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra doping trước Olympic/Paralympic Paris 2024 theo khuyến nghị (bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu trong và ngoài thi đấu) cũng như hợp tác với các Liên đoàn quốc tế về kiểm tra doping tại các Giải vô địch quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng nêu rõ những khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện công tác chống doping tại Việt Nam như: năng lực còn hạn chế, kinh phí hoạt động (kiểm tra, giáo dục…) còn chưa đáp ứng được. Cùng với đó là cơ cấu/chức năng của Cơ quan chống doping quốc gia Việt Nam chưa đầy đủ (thiếu đơn vị pháp chế, đơn vị hợp tác quốc tế)….
Trong phiên làm việc thứ 2 của Hội nghị (23/5), đại diện chính phủ các nước khu vực Châu Á/Châu Đại Dương sẽ tiếp tục thông qua các nội dung gồm: báo cáo các hoạt động phòng, chống doping của các nước; chiến lược ưu tiên của Cơ quan phòng, chống doping thế giới; báo cáo của Ủy ban Tài chính Khu vực Châu Á và đóng góp cho WADA vào năm 2025; Cập nhật hoạt động của các Tổ chức chống doping khu vực Châu Á/Châu Đại Dương; Báo cáo của cơ quan quan sát Độc lập về Đại hội Thể thao Châu Á 2023, đường tới Thế vận hội Paris 2024; Đề xuất thời gian tổ chức bầu cử các thành viên Ban điều hành Cơ quan phòng, chống doping khu vực châu Á; Xem xét và đóng góp ý kiến hoàn thiện Bộ luật phòng, chống doping thế giới 2027 cũng như các ưu tiên chiến lược của WADA trong thời gian tới.