Hội đồng Tư vấn Du lịch: 8 thủ tục, 1 chương trình quảng bá "Thiên đường an toàn" cùng những kỳ tích Covid-19 để Việt Nam đi trước đối thủ cạnh tranh
09/06/2020 | 08:22Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa qua đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các biện pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19.
Đánh giá cao quyết định mở lại thị trường du lịch nội địa, tuy nhiên, TAB cho rằng điều này là chưa đủ để giảm bớt những đau đớn mà ngành đã và đang trải qua. Bởi thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa mở cửa lại đối với du khách quốc tế từ những thị trường được đánh giá là đã an toàn, không đem đến những rủi ro sức khỏe đối với người dân.
"Chúng tôi tin rằng sự an toàn và sức khỏe của người dân cần được cân đối hài hòa với các tính toán và lợi ích kinh tế. Mặc dù cho rằng việc nêu trên là khẩn cấp, để chúng ta có thể mở cửa lại các thị trường quốc tế, chúng tôi cho rằng chúng ta rất cần có một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường", phía TAB cho biết.
Theo tổ chức này, Việt Nam có thể có những thỏa thuận song phương với từng nước và các công việc triển khai thực hiện. Theo đó, TAB đề ra 8 thủ tục để du lịch Việt Nam có thể đi trước 1 bước hoặc ít nhất ngang bằng về thời điểm với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực:
-Mở lại các đường bay và đảm bảo rằng chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (do vậy có thể cần thiết cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ)
-Miễn visa du lịch
-Yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế
-Do nhiệt độ hành khách nhập cảnh
-Thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm
-Thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam
-Các biện pháp đảm bảo an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn;
-Thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo TAB, trước khi mở cửa đối với mỗi quốc gia cụ thể, cần đảm bảo rằng họ đã đạt được những tiêu chí đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Việt Nam và Văn phòng đại diện của WHO để xây dựng một bộ tiêu chí trọng yếu có thể dễ dàng có và kiểm chứng được.
TAB kiến nghị bắt đầu đàm phán với các thị trường nguồn quan trọng nhất và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất. Các thỏa thuận đó sẽ được triển khai và có hiệu lực khi nào các tiêu chí đã thỏa thuận được thỏa mãn và các chuyến bay thẳng được thiết lập. "Chắc chắn rằng những nước đầu tiên sẽ là các nước ở châu Á và khu vực châu Đại Dương", theo TAB.
Các tiêu chí như vậy sẽ đảm bảo mở dần dần và cần thiết tiếp cận từng bước để vừa làm rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình sau một thời gian, bởi vì Việt Nam chưa từng có tiền lệ ứng phó với loại thách thức này.
Đồng thời, TAB đề nghị xem xét việc chào các khu nghỉ dưỡng trọn gói và biệt lập an toàn, thỏa mãn tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng.
Liên quan đến các bước đi và hành động nêu trên, TAB cho rằng Việt Nam cần sẵn sàng thực hiện một chương trình quảng bá định vị đất nước như một "Thiên đường an toàn" và nêu rõ những kỳ tích đã đạt được trong việc kiểm soát và chống lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.