Đặt câu hỏi, góp ý

+ Đặt câu hỏi

Danh sách câu hỏi và câu trả lời

Độc giả: Nguyễn Thị Ngát - Thanh Hà Hải Dương
15/05/2024

Kính thưa Quý bộ. Chúng tôi là những nhân viên thư viện công tác gần 17 năm, có bằng đại học được 12 năm nay rồi nhưng vẫn đang hưởng hệ số lương A0 bậc 5 hệ số 3,34. Đợt này các huyện đang chuyển mã ngạch thư viện viên hạng IV có huyện thì chuyển sang ngang giữ nguyên hệ số 3.34 và và bậc 5, nhưng huyện lại hạ xuống hệ số loại B trung cấp hệ 3.26 hưởng chênh lệch 0.08. Nhưng khi đọc (Khoản 3. Điều 9. Cách xếp lương: Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thư viện quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức) thì tôi thấy trong này hướng dẫn: Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức : a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ. Vậy nhờ quý Bộ giải thích giúp chúng tôi và có hướng dẫn rõ ràng những trường hợp đang hưởng lương cao đảng như chúng tôi để các huyện tỉnh thực hiện đồng nhất giúp chúng tôi đơc thiệt thòi.

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDLBNV ngày 19/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành thư viện (Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV) và Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức ngành thư viện (Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL) đã thay thế Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV, Thư viện viên hạng IV được áp dụng ngạch lương Viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Viên chức có trình độ cao đẳng chuyên ngành thư viện khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức loại A0 theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV (mã số V.10.02.07) thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV (đã hết hiệu lực từ thi hành từ ngày 15/8/2022).

2. Bạn đọc viện dẫn quy định tại điểm a khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức thực hiện đối với trường hợp xếp lương khi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, không áp dụng đối với trường hợp xếp lương đối với viên chức có trình độ cao đẳng chuyên ngành thư viện khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức loại A0 nêu trên.

Đối với trường hợp cụ thể, bạn đọc cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền quản lý, tuyển dụng để được xếp lương và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) khi thực hiện việc chuyển xếp lương.

15/05/2024 17:32

Độc giả: Trần Thị Mai Hoa
09/05/2024

Kính thưa quý cơ quan! Tôi tên Trần Thị Mai Hoa, sinh sống tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tôi có câu hỏi xin hỏi quý cơ quan: Việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh là trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay là trách nhiệm của UBND cấp huyện? Xim cảm ơn!

Trả lời:

Cục Di sản văn hóa có ý kiến trả lời như sau:

Liên quan đến vấn đề lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, Luật Di sản văn hóa quy định cụ thể như sau:

1. Về tiêu chí xếp hạng di tích cấp tỉnh: Tại Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: "1. Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.".

2. Về thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh được thực hiện như sau:

- Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh".

- Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định: "1. Căn cứ quy định xếp hạng di tích tại các khoản 10, 11 và 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xếp hạng, đề nghị xếp hạng di tích theo thẩm quyền".

 - Hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL.

- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích có Đơn đề nghị xếp hạng di tích gửi Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để đề nghị cơ quan nhà nước xem xét xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (có mẫu Đơn (Mẫu số 1) ban hành kèm theo Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL).

Như vậy, trường hợp di tích có đủ tiêu chí quy định tại Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, trên cơ sở đề nghị của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa và Thể thao) chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố xem xét, quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố theo thẩm quyền.

09/05/2024 11:19

Độc giả: Nguyễn Bảo Trân - 18 Đường 54 Hiệp Bình Chánh Thủ Đức TPHồ Chí Minh
02/05/2024

Được sự hướng dẫn của chuyên viên Cuc bản quyền tại TP.HCM hướng dẫn ngày 27/02/2024 tôi có gửi hồ sơ qua bưu điện ra Hà Nội đến Cục bản quuyền 33 Ngõ 294 Kim Mã. Tôi là người đại diện theo uỷ quyền của công ty CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN THIẾT KẾ & XÂY DỰNG N.C.A mã số thuế 0311584407, nhưng đến nay tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào về hồ sơ công ty cũng như không có mã biên nhận hồ sơ để tra cứu thông tin hồ sơ. Đề nghị được hướng dẫn.

Trả lời:

Ngày 11/3/2024, chuyên viên Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã gửi thông báo về tình trạng Hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm "Nhà phố" của Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế và xây dựng N.C.A đến địa chỉ hòm thư uttradedesign@gmail.com

Trên thông tin Cục đã gửi vào hòm thư đề nghị Quý Công ty bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn. Chi tiết vui lòng liên hệ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả, Chuyên viên: Đoàn Diệu Linh (SĐT: 02438234304)

02/05/2024 14:15

Độc giả: Lê Trang - 106 ngõ 422 Trương Định Hoàng Mai Hà Nội
02/05/2024

Kính gửi Bộ Văn hóa thể thao và du lịch. Em là Trang tác giả của cuốn sách Phác thảo từ vựng tiếng Đức. Em làm quyển sách theo dạng bản phác thảo từ vựng Tiếng Đức bao gồm từ vựng và hình ảnh với phiên âm chuẩn. Từ em dịch từ trên mạng, hình ảnh và ảnh đồ họa em lấy từ trên internet và canva. Tất cả do một mình em tự làm, tự sáng tạo lên quyển sách này. Khi em tải mẫu đăng ký quyền tác giả có 2 mẫu. Mẫu 1 là giành cho sách giáo trình, bài giảng. Mẫu 2 dành cho sáng tạo mỹ thuật. Vậy dạng sách này của em nên đăng ký theo mẫu bản nào ạ. Em mong bên bộ chỉ cho em, em rât muốn đăng ký bản quyền tác giả của cuốn sách này thành công để được đưa đến cho các bạn tại trung tâm tiếng Đức học yên tâm ạ

Trả lời:

1. Trong câu hỏi có nội dung: "Từ tôi dịch từ trên mạng, hình ảnh và ảnh đồ họa tôi lấy từ trên internet và canva."

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ, tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc quyền tài sản. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tương tự với việc sử dụng hình ảnh trên mạng trong tác phẩm của mình, tổ chức, cá nhân cũng phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

2. Về việc xác định mẫu Tờ khai đăng ký quyền tác giả, tổ chức, cá nhân nghiên cứu Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 6 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, từ đó chọn được mẫu Tờ khai tương ứng.

3. Để thực hiện đăng ký quyền tác giả, tổ chức, cá nhận thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 38, Điều 39 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ; Thông tư số 08/2023/TTBVHTTDL ngày 2/6/2023 và có thể tìm hiểu các thông tin về đăng ký quyền tác giả tại trang web của Cục Bản quyền tác giả (cov.gov.vn).

Trên đây là những hướng dẫn cơ bản dựa trên câu hỏi của bạn đọc. Chi tiết liên hệ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (SĐT: 024.38234304 – Email: phongdangkyqtg2021@gmail.com – Địa chỉ: số 33 ngách 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) để được hướng dẫn.

02/05/2024 10:28

Độc giả: Nguyễn Thị Thiên Hồng
02/05/2024

Xin chào Bộ ạ, tôi muốn gắn biển quảng cáo có diện tích hơn 20m2 lên trung tâm thương mại, tôi đã tra xem thủ tục hồ sơ giấy tờ và thấy cần làm đơn cấp phép xây dựng công trình quảng cáo (vì diện tích biển hơn 20m2) gửi về cơ quan có thẩm quyền xây dựng cho phép. Tôi muốn nhờ Bộ xác nhận có phải cần làm đơn cấp phép xây dựng công trình quảng cáo hay không. Tôi xin cảm ơn Bộ!

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo thì việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau:

 - Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;

 - Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

- Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m2) trở lên. Vì vậy, tổ chức, cá nhân muốn gắn biển quảng cáo có diện tích hơn 20m2 lên trung tâm thương mại thì cần phải có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép được quy định tại Điều 31 Luật Quảng cáo.

02/05/2024 09:31

Độc giả: Phạm Thị Dinh - thành phố Thái Bình tỉnh Thái Bình
02/05/2024

Kính chào quý Bộ. Tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có quy định "Cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thực hiện phân cấp, ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp huyện được cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương". Vậy: - Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp huyện ở đây là UBND cấp huyện hay Phòng Văn hóa và Thông tin - Sở VHTTDL là cơ quan cấp giấp phép karaoke thì có được trực tiếp ủy quyền cho Phòng Văn hóa và Thông tin cấp giấy phéo karaoke không Rất mong quý Bộ giải đáp giúp. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Điều 4 Thông tư số 08/2021/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 09 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật. Theo đó căn cứ các quy định trên và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thực hiện ủy quyền trực tiếp việc cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke cho Phòng Văn hóa và Thông tin.

02/05/2024 09:29

Độc giả: Trần Thị Hằng - Số 124 Tôn Đức Thắng phường Quốc Tử Giám quận Đống Đa thành phố Hà Nội
22/04/2024

Kính gửi Quý Cơ quan, Hiện nay, để diễn giải Điều 8 của Luật Quảng cáo năm 2012, Điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL có hướng dẫn về Tài liệu hợp pháp khi quảng cáo sản phẩm "số một" như sau: Điều 2. Tài liệu hợp pháp "1. Tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật quảng cáo bao gồm: a) Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; b) Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự. 2. Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường." Sau đó, năm 2018, Quý cơ quan có ban hành Công văn số 497/VHCS-QLHĐQC vv hướng dẫn nội dung tại Điều 2, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo được quyền lựa chọn 1 trong hai loại tài liệu để thực hiện quảng cáo. Vậy, tôi xin hỏi, hiện nay quan điểm điều chỉnh của Bộ theo Công văn nêu trên vẫn giữ nguyên hay có thay đổi. Công dân kính đề nghị được hướng dẫn bổ sung về nội dung này! Trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Trước hết, Cục Văn hóa cơ sở cảm ơn bạn Trần Thị Hằng đã đặt câu hỏi đối với việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. 

Về nội dung câu hỏi của bạn, Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Quảng cáo bao gồm: 

- Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; 

- Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự. 

Như vậy, tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ có yếu tố "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự có thể lựa chọn một trong hai tài liệu chứng minh nói trên để thực hiện nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật.

22/04/2024 15:34

Độc giả: Nguyễn Tiến - Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao huyện Xuân Trường Nam Định
22/04/2024

Xin kính chào quý Bộ VH-TT&DL! Hiện tại tôi đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Xuân Trường - Nam Định. Tôi và một số viên chức trong tỉnh cùng công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao các huyện, Thành phố đang giữ ngạch Tuyên truyền viên (công tác trong ngành có người từ 15 đến 20 năm và có bằng Đại học đã 10 năm nhưng chưa được xếp hưởng lương Đại học).Theo Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 thì chúng tôi sẽ chuyển sang ngạch Tuyên truyền viên Văn hóa và "Phải có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa" mới đủ điều kiện để xếp nâng hạng chức danh nghề nghiệp. Tôi đi hỏi khắp thì không có nơi nào mở lớp đào tạo chứng chỉ trên. Vây chúng tôi phải làm sao? Kính mong được sự quan tâm giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:

Hiện nay, Chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở (nhóm chức danh Tuyên truyền viên văn hóa) đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm đinh, nghiệm thu để ban hành. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là hai cơ sở đào tạo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao tổ chức mở lớp đào tạo "Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa" sau khi Chương trình bồi dưỡng được ban hành.

Tại thời điểm này, khi Chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở (nhóm chức danh Tuyên truyền viên văn hóa) chưa được ban hành, nếu bạn tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Tuyên truyền viên văn hóa thì được áp dụng thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đối với "trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định, nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; viên chức được xét thăng hạng coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét".

22/04/2024 08:45

Độc giả: Phạm Mỹ Duyên - Phường An Bình thị xã An Khê tỉnh Gia Lai
03/04/2024

Kính thưa quý Bộ! Tôi tên Phạm Mỹ Dung, hiện đang sinh sống tại phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Xin quý Bộ cho tôi được biết: - Về thủ tục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh? - Cơ quan nào có trách nhiệm lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh? Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Cục Di sản văn hóa có ý kiến trả lời như sau:

- Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định: "1. Căn cứ quy định xếp hạng di tích tại các khoản 10, 11 và 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xếp hạng, đề nghị xếp hạng di tích theo thẩm quyền".

- Trường hợp di tích có đủ tiêu chí di tích cấp tỉnh theo quy định tại Mục 1 Khoản 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, cụ thể:

 "1. Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương."

 thì tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích có Đơn đề nghị xếp hạng di tích gửi Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để đề nghị cơ quan nhà nước xem xét xếp hạng di tích theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (có mẫu Đơn (Mẫu số 1) ban hành kèm theo Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL).

- Hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL.

03/04/2024 13:39

Độc giả: Lê Thị Minh Anh
02/04/2024

Kính gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công ty chúng tôi có nhu cầu thực hiện quảng cáo bằng phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô cá nhân) trên địa phương nhiều tỉnh thành. Để đảm bảo tuân thủ pháp luật, chúng tôi có cần phải thực hiện thủ tục thông báo nào không? Mong nhận được phản hồi của Bộ. Xin cảm ơn

Trả lời:

Trước hết, Cục Văn hóa cơ sở cảm ơn bạn Lê Thị Minh Anh đã đặt câu hỏi đối với việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. Về nội dung câu hỏi của bạn, Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 29,30 Luật Quảng cáo, các phương tiện bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo phải thực hiện thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo. Như vậy, phương tiện giao thông không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục nêu trên. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông phải đảm bảo quy định về vị trí, diện tích,…theo quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quảng cáo của mình.

02/04/2024 09:47