Hội An xây dựng tuyến tham quan xanh tại Làng gốm Thanh Hà
12/12/2024 | 16:34UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng tuyến tham quanh xanh tại Làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An).
Theo UBND TP Hội An, việc triển khai thực hành du lịch xanh đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng gốm Thanh Hà, hướng tới mục tiêu "Xây dựng tuyến tham quan xanh tại làng gốm Thanh Hà" là nhiệm vụ cần thiết, phù hợp với định hướng của thành phố. Đây là bước đầu trong việc xây dựng bộ minh chứng, hướng tới mục tiêu đưa làng gốm đạt tiêu chuẩn du lịch xanh và trở thành Điểm đến xanh.
Theo đó, mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở kinh doanh homestay được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ Tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam dành cho Homestay; 50% các cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ Tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam dành cho Điểm tham quan; 50% cơ sở bán nước giải khát các loại thực hành du lịch xanh. Triển khai một hoạt động truyền thông về du lịch xanh cho khách tham quan.
Phạm vi thực hiện là toàn bộ vùng lõi của Làng gốm Thanh Hà, thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Đối tượng thực hiện là các cơ sở kinh doanh homestay, các cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm và cơ sở bán nước giải khát tại khu vực vùng lõi Làng gốm Thanh Hà.
Các nội dung sẽ được triển khai thực hiện gồm: Đánh giá thực trạng thực hành du lịch xanh tại tuyến tham quan Làng gốm Thanh Hà; xây dựng các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn thực hành du lịch xanh tại các cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm, kinh doanh nước giải khát và các cơ sở kinh doanh homestay; lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh theo Bộ tiêu chí của tỉnh Quảng Nam đối với Homestay, Điểm tham quan; truyền thông về tuyến tham quan xanh Làng gốm Thanh Hà…
Làng gốm Thanh Hà thuộc khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, nằm cách Khu phố cổ Hội An 3km về phía Tây - Nam. Làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà có 32 cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ gốm, giải quyết việc làm cho gần 70 lao động của địa phương. Doanh thu sản phẩm làng nghề có bước tiến qua các năm. Một số lao động trẻ đã bắt đầu cải tiến các sản phẩm truyền thống để tạo ra các sản phẩm mới về đèn lồng, tượng, sản phẩm trang trí nội, ngoại thất phục vụ nhu cầu trang trí cho các nhà hàng, khách sạn, sân vườn trong và ngoài địa phương. Ngoài ra các hoạt động dịch vụ - thương mại ở làng nghề được phát triển.
Trong những năm gần đây, làng gốm đã có những bước chuyển mình tích cực, đặc biệt trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Phần lớn các lò nung đã ngừng sử dụng than củi và chuyển đổi sang nhiên liệu gas, góp phần đáng kể trong việc giảm lượng khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh trong làng cũng đã được tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.
Về khía cạnh phát triển dịch vụ du lịch, các sản phẩm du lịch chính được khai thác tại làng là trình diễn chuốt gốm và trải nghiệm làm gốm; lưu trú du lịch tại làng; tham quan Công viên Đất nung; kinh doanh dịch vụ giải khát và quà lưu niệm. Sau dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến làng gốm được phục hồi và tăng trưởng tốt. Năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt hơn 567 nghìn lượt (doanh thu hơn 19,8 tỷ đồng), tăng hơn 330% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành một trong những mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay ở Quảng Nam và cả nước./.