Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
23/07/2018 | 08:30Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã thực sự là cái nôi mà nhiều nhà giáo, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình đã trưởng thành, có những cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn là trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước.
Công tác đào tạo, giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước; tham gia vào việc định hướng, giáo dục nhằm nâng cao đời sống âm nhạc cho toàn xã hội; góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập quốc tế.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1956, tiền thân là Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1982, đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội. Năm 2008 được Chính phủ đổi tên thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn là trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước với ba chức năng chính: đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn.
Học viện đã đào tạo gần 10.000 cán bộ âm nhạc cho hệ thống các nhạc viện, các trường và các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Học viện còn đào tạo hàng trăm cán bộ âm nhạc cho các nước bạn Lào và Campuchia; mở lớp dạy nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ phương Tây cho một số học sinh nước ngoài như: Pháp, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch… Nhiều giảng viên, học sinh và sinh viên đã giành được huy chương Vàng và giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế, đặc biệt GS.NSND. Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên Fréderick Chopin tại Vácxava, Ba Lan năm 1980.
Đội ngũ giảng dạy gồm hơn 300 giảng viên kể cả giảng viên thỉnh giảng và cộng tác viên, trong đó có 5 giáo sư, 23 phó giáo sư, 44 tiến sĩ, 141 thạc sĩ, nhiều giảng viên được đào tạo được đào tạo chính quy ở nước ngoài. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có quy mô đào tạo chuyên nghiệp theo đặc thù của ngành âm nhạc, có chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của xã hội. Học viện đã biên soạn toàn bộ hệ thống chương trình đào tạo cho tất cả các chuyên ngành từ Trung cấp đến Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ, bao gồm các ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn Piano, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy và các môn học kiến thức âm nhạc như Ký xướng âm, Hoà âm, Phức điệu, Phân tích tác phẩm, Lịch sử âm nhạc thế giới, Lịch sử âm nhạc Việt Nam…
Đội ngũ giảng dạy gồm hơn 300 giảng viên kể cả giảng viên thỉnh giảng và cộng tác viên.
Hiện nay, Học viện có gần 1700 học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học ở các cấp học khác nhau như:Trung cấp dài hạn (6, 7, 9 năm), Trung cấp ngắn hạn (4 năm), Đại học chính quy (4 năm), Đại học vừa làm vừa học (4, 5 năm), Thạc sĩ (2 năm) và Tiến sĩ (3 năm). Số lượng giảng viên, học sinh, sinh viên của Học viện đoạt giải thưởng tại các cuộc thi tài năng âm nhạc quốc gia, quốc tế luôn đứng đầu trong các trường thuộc khối ngành âm nhạc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu cấp khu vực, các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Viện Âm nhạc - đơn vị trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - là một trong những trung tâm nghiên cứu âm nhạc hàng đầu của Việt Nam, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Kết quả nghiên cứu của Viện đã đóng góp tích cực vào công tác giảng dạy, biểu diễn và bảo tồn, phát triển nền âm nhạc Việt Nam. Các thế hệ cán bộ của Viện Âm nhạc trong những năm qua đã sưu tầm thu thanh, ghi hình, nghiên cứu, lưu trữ vốn âm nhạc dân gian của 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, Viện Âm nhạc đã xây dựng thành công Hồ sơ quốc gia về Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca Tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Hoạt động biểu diễn đóng vai trò quan trọng vừa là thực hành đào tạo vừa là thước đo đánh giá về chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy, đồng thời là thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vì đây là nơi hội tụ nhiều Nghệ sĩ Nhân dân (12 NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (39 NSƯT) và nhiều giảng viên, nghệ sĩ trẻ tài năng trong các lĩnh vực Thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây,biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam, dàn Dây, các nhóm nhạc thính phòng, các nghệ sĩ độc tấu của Học viện đã thực hiện thành công hàng trăm buổi biểu diễn, giới thiệu nền âm nhạc Việt Nam tới khán giả trong nước và quốc tế và góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng yêu âm nhạc Việt Nam.
Là nơi hội tụ nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú...
Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng của nhiều quốc gia đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Học viện. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của Học viện đã được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Học viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc giao hưởng nước ngoài như: Dàn nhạc Giao hưởng châu Á, Dàn nhạc Trẻ châu Á, Dàn nhạc Trẻ Đông Nam Á... Học viện duy trì quan hệ cộng tác với nhiều nhạc viện có tên tuổi trên thế giới tại như Nhạc viện Tchaikovsky (LB Nga), Nhạc viện Paris (CH Pháp), Học viện Âm nhạc Bắc Kinh, Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc), Trường Âm nhạc thuộc Đại học tổng hợp Queensland (Úc), Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông; Dàn nhạc trẻ châu Á, Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Dàn nhạc Nagoya (Nhật Bản); tổ chức âm nhạc của các nước như: Nhật Bản, Áo, Đức, Canada, Thái Lan, Singapore...
Hợp tác quốc tế cũng là một thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo và biểu diễn. Học viện đã tổ chức và chủ trì nhiều hội thảo quốc tế, dự án quốc tế, liên hoan âm nhạc quốc tế và đã tổ chức thành công ba cuộc thi Piano quốc tế tại Hà Nội vào các năm 2010, 2012 và 2015 với quy mô và tiêu chí quốc tế. Năm 2018, Học viện sẽ tổ chức Festival Piano quốc tế Hà Nội vào tháng Tám và Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ Tư vào trung tuần tháng Chín.
Hợp tác quốc tế cũng là một thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nhiều thành tựu trong đào tạo nhân lực âm nhạc
Với những đóng góp của nhiều thế hệ giảng viên, cán bộ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc nước nhà, cùng những thành tựu đạt được trong giai đoạn đổi mới, hội nhập của đất nước, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng I, hạng II, hạng III; Huân chương Độc lập hạng I (2 lần), hạng II, hạng III và Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi để Học viện tiếp cận với các xu thế mới, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Những thành tựu âm nhạc của Học viện thông qua các giải thưởng âm nhạc quốc tế của các giảng viên, học sinh, sinh viên và quá trình quảng bá âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế đã hướng sự quan tâm của nhiều quốc gia có nền âm nhạc phát triển trên thế giới tới nền âm nhạc Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong nhiều năm gần đây, học sinh sinh viên Học viện tham gia thường xuyên và tích cực vào các cuộc thi âm nhạc, đặc biệt là các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp tại khu vực và quốc tế với số lượng tăng dần mỗi năm và số giải thưởng mang lại cũng tăng cả về lượng và chất. Trong các năm 2015-2016, sinh viên Học viện giành một số giải thưởng âm nhạc, tiêu biểu như: Giải Nhất cuộc thi tài năng trẻ Piano Trung Quốc-Asean lần thứ I tại Nanning - Trung Quốc, Giải Nhất cuộc thi Piano trẻ quốc tế Steinway lần thứ III tại TP. Hồ Chí Minh; Giải Nhì cuộc thi Piano Mozart quốc tế lần thứ V tại Thái Lan; Giải Nhì cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ III; Giải Nhì cuộc thi Piano quốc tế lần thứ XVI tại San Jose - Mỹ; Giải Ba cuộc thi tài năng trẻ Piano Trung Quốc-Asean lần thứ I tại Nanning - Trung Quốc...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhì lần thứ hai cho Học viện Âm nhạc Việt Nam.
Năm 2017, chỉ tính riêng các giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp tại khu vực và quốc tế, có thể kể tới các giải tiêu biểu như: Giải Nhất Cuộc thi Piano quốc tế Stockhom - Thụy Điển; Giải Nhất Cuộc thi Piano Quốc tế Ricard Vines tại Tây Ban Nha; Giải trình diễn tác phẩm đương đại xuất sắc Cuộc thi Tchaikovsky Quốc tế dành cho Nghệ sĩ trẻ lần thứ 10 tại Kazakhstan; 4 cúp vàng Festival Âm nhạc Châu Á, Thái Bình Dương tại Hongkong, Trung Quốc; Giải Nhất Cuộc thi Drum Fest tạiSingapore;1 giải đặc biệt, 13 giải Vàng, 5 giải Bạc, 3 giải Đồng trong Cuộc thi Piano Quốc tế Châu Á tại Seoul - Hàn Quốc; Giải Nhì Cuộc thi âm nhạc quốc tế d’Prix tại Berlin, Đức; 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Batrong Cuộc thi Flame Competition tổ chức tại Paris - Pháp; 4 giải nhất Cuộc thi Colombes Music Competition tổ chức tại Paris - Pháp; 1 giải Nhất Cuộc thi Piano cho thanh thiếu niên Ricard Vines Lleida - Tây Ban Nha; 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 2 giải Ba Cuộc thi Piano quốc tế El Temblo Tây Ban Nha; 2 giải Nhất, 1 giải Ba Cuộc thi Piano quốc tế Maria Herrero tại Granada - Tây Ban Nha; Giải Nhì Cuộc thiCello và Contrebass tại Karelia - Liên bang Nga; Giải Nhất Cuộc thi tài năng quốc tế tại Kursk - Liên bang Nga...
Năm 2018 số lượng giải thưởng và tỷ lệ giải cao cũng tăng hơn. Cụ thể là tại Concour Âm nhạc Quốc tế Kyushu lần thứ 20, tổ chức tại Kumamoto - Nhật Bản, tháng 3-2018, học sinh sinh viên Học viện giành 1 giải Đặc biệt, 1giải Nhất, 1giải Nhì trong lĩnh vực Thanh nhạc (hát); 1 giải Đặc biệt, 1 giải Vàng, 2 giải Bạc, 2 giải Đồng trong lĩnh vực Piano; Giải Ba Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Âm nhạc Quốc tế lần thứ II, tổ chức tại Singapore, tháng 3/2018; Giải Nhì Cuộc thi Piano Quốc tế Citta di Oleggiotổ chức tại thành phố Oleggio - Italia; Giải Ba Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế lần thứ 9, tổ chức tại Belgrade, Serbia, tháng 5-2018; 2 giải Nhì tạiCuộc thi Piano Quốc tế Siam lần thứ 4 tháng5-2018, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan; 1 Giải Nhất,2 Giải Nhì, 1 Giải Ba Cuộc thi Steinway International Youth Piano lần thứ 4 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2018; Giải Nhất Cuộc thi Tài năng âm nhạc cổ điển tổ chức tại Hungary tháng 6-2018...
Các hoạt động biểu diễn, đào tạo, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng.
Các hoạt động biểu diễn, đào tạo, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, có chất lượng và hiệu quả đã góp phần khẳng định vai trò thúc đẩy, là cầu nối và động lực giúp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại đồng thời quảng bá nền âm nhạc truyền thống Việt Nam tới quốc tế.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chiến lược và kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn, gửi cán bộ, sinh viên đi thực tập, tu nghiệp, biểu diễn tại các nhạc viện, viện nghiên cứu trên thế giới, đổi mới công tác tuyển sinh, công tác giảng dạy và đào tạo, công tác quản trị đại học chính là con đường hướng tới mục đích không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, góp phần đưa Học viện vươn xa, trở thành một trong những trung tâm đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc hàng đầu khu vực và có uy tín quốc tế./.
ThS. Nguyễn Huy Hoàng
Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
>> Trường Đại học TDTT Đà Nẵng và những nỗ lực xây dựng, phát triển ngành TDTT của Đất nước
>> Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh: Điểm sáng trong lĩnh vực đào tạo
>> Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Ước mơ trở thành ngọn cờ đầu về nghệ thuật bác học Việt Nam
>> Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, ngọn cờ đầu của nghệ thuật bác học
>> Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ trọng tâm phục vụ công tác đào tạo