Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển khởi sắc, từng bước “cất cánh” vươn xa

27/03/2024 | 08:20

Đắk Nông đại ngàn, với tinh thần kế thừa truyền thống quê hương cách mạng và khát vọng phấn đấu, nắm vững thời cơ, chủ động đổi mới. Từ khi tái lập tỉnh vào năm 2004, Đắk Nông là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, xuất phát điểm thấp… Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, với tinh thần đoàn kết, vượt khó, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra quyết sách đúng đắn, huy động mọi nguồn lực đầu tư, thực hiện đồng thời nhiệm vụ giải quyết khó khăn và xây dựng, kiến thiết.

Đến nay, sau 20 năm tái lập, Đắk Nông đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, trong đó hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch đã phát triển khởi sắc, từng bước “cất cánh” vươn xa.

Hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước “cất cánh”, phát triển ổn định

Đến thời điểm hiện tại, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được đánh giá là phát triển ổn định, hàng hóa tại thị trường phong phú, đa dạng, việc mua bán thuận lợi, giá cả ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển đa dạng, mở rộng xuống tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, quy mô và tốc độ tăng trưởng đã được mở rộng và tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 11.476 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,33%/năm, trong đó riêng năm 2023 ước đạt 880 triệu USD, tăng 17,7% so với năm 2004. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, sản phẩm alumin (từ năm 2017), MDF…

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản và một số thị trường mới (Châu Phi, Trung Đông…). Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; chủ yếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 55-65% giá trị kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

Hoạt động nhập khẩu đã phục vụ tốt cho nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2004-2023 dự kiến đạt 2.726 triệu USD, bình quân tăng trên 29%/năm. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, như: Điều nguyên liệu, tiêu đen, gỗ, máy móc thiết bị…

Du lịch đang dần khởi sắc, tựa như “nàng tiên thức giấc giữa đại ngàn”

Có thể khẳng định, Đắk Nông là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi giao thoa, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử đặc sắc của 40 dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm… Bên cạnh đó, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cũng chính là một lợi thế lớn đáng được phát huy mọi tiềm năng tuyệt vời.

Sau 20 năm, đến nay du lịch Đắk Nông đã có sự phát triển liên tục với những chuyển mình đáng chú ý. Trên địa bàn tỉnh đã có 10 dự án kinh doanh du lịch được tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, có một số dự án đi vào hoạt động và thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Khu du lịch - di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên tại xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.

Đặc biệt, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch trong đó có 41 điểm di sản với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” gồm các tuyến du lịch: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Thanh âm từ Trái đất”. Tất cả làm nên một Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, góp phần quảng bá vùng đất, con người Đắk Nông hội nhập quốc tế, từng bước xây dựng, khẳng định vị thế, thương hiệu du lịch Đắk Nông.

Hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển khởi sắc, từng bước “cất cánh” vươn xa   - Ảnh 1.

 

Đi cùng với đó là sự gia tăng về quy mô và chất lượng của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, thu hút lượng khách du lịch đến Đắk Nông ngày càng tăng, bình quân tăng 13%/năm, tổng doanh thu tăng bình quân 18%/năm.

Có rất nhiều du khách yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm đã lựa chọn Đắk Nông là điểm đến dừng chân. Để tận dụng tối đa lợi thế vốn có, Đắk Nông đã xây dựng được 4 sản phẩm du lịch chính: sản phẩm du lịch gắn liền với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Với hy vọng đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của người dân và du khách, thời gian gần đây tỉnh cũng đã phát triển mạnh mẽ các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, khu điểm vui chơi giải trí cũng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm.

Toàn tỉnh hiện có 306 cơ sở lưu trú, với tổng số 3.607 phòng. Trong đó có 40 khách sạn, với 781 phòng; 248 nhà nghỉ, nhà khách với khoảng 2.546 phòng; 18 cơ sở lưu trú khác với khoảng 280 phòng, lều lưu trú.

Minh chứng cho sự phát triển và chuyển mình mỗi ngày đó là những con số cụ thể, riêng năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Đắk Nông đạt 679.000 lượt, tăng 32,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 5.400 lượt, tăng 170%, tổng doanh thu ngành du lịch 160 tỷ đồng, tăng 146,1% so với năm 2022.

Nhìn trên tổng thể, tiềm năng du lịch của Đắk Nông vẫn còn nhiều lợi thế cần được khai thác để phát triển du lịch, song để du lịch Đắk Nông có sự phát triển bứt phá, thực sự là ngành kinh tế đem lại hiệu quả cho toàn tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân thấy được lợi thế tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng di sản văn hóa có điều kiện để phát triển du lịch. Tăng cường các hoạt động quảng bá về tài nguyên thiên nhiên và giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu số, chính sách tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân trong hoạt động du lịch.

Song song với đó, hình thành các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, triển khai xây dựng các mô hình du lịch ở các địa phương trong tỉnh phù hợp với đặc điểm của từng tộc người, từng địa phương như mô hình du lịch trang trại/nông trại; du lịch làng, bản, buôn, du lịch làng nghề; du lịch sinh thái nhân văn, du lịch mạo hiểm với những nét khác biệt để thu hút khách. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ nhằm thúc đẩy du lịch phát triển./.


Theo Sở VHTTDL Đăk Nông

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×