Hoàn thiện thể chế, chính sách về lĩnh vực di sản văn hóa để tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư
28/11/2022 | 08:59Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lĩnh vực di sản văn hóa và xây dựng, ban hành Thông tư để hướng dẫn chi tiết về việc phối hợp thực hiện quản lý đối với các di tích danh lam thắng cảnh, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch về chính sách thu hút đầu tư các dự án bảo tồn di tích.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện có 41 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích, trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh và khoảng 30 di tích tiềm năng có đủ điều kiện, tiêu chí đề nghị xếp hạng di tích.
Kể từ khi có Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới Luật, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thi hành Luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá 2009.
Căn cứ quy định quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật; huy động các nguồn lực để thực thi Luật và các văn bản dưới Luật; ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân được nâng cao, việc thực thi Luật được đảm bảo, có hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của các dân tộc, phong tục, tập quán và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trong quá trình thực thi Luật Di sản văn hóa, việc thực hiện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn gặp những bất cập từ những điều khoản Luật.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích danh lam thắng cảnh quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn gặp những khó khăn, bất cập, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, do việc phân cấp quyền quản lý nhà nước cho địa phương chưa rõ ràng, vì cho rằng việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuộc về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Sau khi di tích được xếp hạng, việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, địa phương chưa chủ động bố trí vốn để đầu tư dự án tại di tích, còn trông chờ Trung ương và tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thật sự chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quản lý; chưa chú trọng đưa các di tích vào quy hoạch, kế hoạch khai thác, phát huy giá trị di tích theo lộ trình, chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư, chủ sở hữu... tham gia vào công tác phát huy giá trị di tích.
Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích chưa sâu rộng đến quần chúng nhân dân nên dẫn đến tình trạng người dân chưa nhận thức hết giá trị của di sản địa phương và có hành vi xâm hại, lấn chiếm đất đai di tích; để di tích chịu sự tác động bởi môi trường tự nhiên và do con người gây ra nhưng chưa có phương án bảo vệ kịp thời.
Ở một số địa phương trong tỉnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại di tích chưa thỏa đáng để phát huy hết giá trị tiềm năng, lợi thế của di tích để di tích trở thành sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với di tích danh lam thắng cảnh gắn với đất rừng, đất lâm nghiệp do các Công ty Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn, Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia quản lý thì vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích phải thực hiện các quy định bởi các Luật: Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên và Môi trường, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thủy lợi... nên rất cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc triển khai dự án tại các di tích chịu sự ràng buộc bởi các văn bản Luật hiện hành, điều này cũng dẫn đến việc khai thác và phát huy giá trị di tích còn chậm trễ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chờ đợi các phương án, đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có thể thực hiện, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến độ đầu tư dự án của nhà đầu, doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số di tích danh lam thắng cảnh có giá trị tiềm năng về cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch. Tuy nhiên, vào mùa khô dòng thác bị khô cạn, giảm vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên của di tích; đường vào di tích còn cách xa trung tâm, đi lại khó khăn, việc đầu tư hạ tầng di tích với nguồn ngân sách rất lớn, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di tích thì việc mời gọi đầu tư tại di tích danh lam thắng cảnh còn khó khăn.
Việc thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ còn gặp khó khăn, phức tạp do quy định ràng buộc bởi các luật có liên quan, nhưng vấn đề chung nhất hiện nay đó là sự phức tạp, khó khăn trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các di tích, trong đó có các di tích danh thắng quốc gia.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, trên cơ sở sửa đổi Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực di sản văn hóa, cần xây dựng và ban hành Thông tư để hướng dẫn chi tiết về việc phối hợp thực hiện quản lý đối với các di tích danh lam thắng cảnh, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch về chính sách thu hút đầu tư các dự án bảo tồn di tích, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương để địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quản lý, có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào công tác phát huy giá trị di tích.
Thường xuyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ở tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế và nhiều hình thức linh hoạt khác, phù hợp với từng chủ đề, sự kiện để giới thiệu, quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến đầu tư dự án tại địa phương.
Trong các di tích đã xếp hạng và di tích tiềm năng, các địa phương cần xem xét, lựa chọn những di tích tiêu biểu, thế mạnh của địa phương đề nghị tỉnh ưu tiên đưa vào Danh mục đầu tư công trung hạn, nhất là các hạng mục đường giao thông để kêu gọi thực hiện Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với nhiệm vụ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, đơn vị liên quan phối hợp triển khai quyết liệt trong việc trích lục bản đồ, thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có di tích đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ và thực hiện công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng và xây dựng Phương án chuyển loại rừng thuộc di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường và luật lâm nghiệp, để giao đất "sạch" thông qua đấu thầu cho nhà đầu tư thực hiện dự án.