Hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đúng tiến độ
26/01/2024 | 08:33Chiều ngày 25/1, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã chủ trì cuộc họp với Cục Bản quyền tác giả về xây dựng dự thảo Chỉ thị về việc Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và các thành viên tổ soạn thảo.
Theo ông Trần Hoàng, dự thảo Chỉ thị nêu rõ về giá trị của văn hóa và ý nghĩa của việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển.
Để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia cần thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là chủ trương xuyên suốt của Đảng trong các kỳ đại hội.
Để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu "Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh".
Để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Kết quả thực hiện Chiến lược bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định. Các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp vào việc phát triển chung của nền kinh tế, đồng thời góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng, bên vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2022 ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Dự thảo Chỉ thị cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa như: công tác phối hợp, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra còn chưa hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa; việc huy động các nguồn lực, thu hút nhà đầu tư tham gia còn gặp vướng mắc, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam; phát triển hạ tầng phục vụ khai thác các khu, điểm văn hóa để hình thành sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trong nước và quốc tế còn gặp nhiều khó khăn; nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được về chất lượng; chính sách đãi ngộ, thu hút người làm văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia chưa thực sự phù hợp với như cầu thực tiễn đặt ra...
Đồng thời Dự thảo nêu nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ủng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững", từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy phát triển theo hướng đầu tư trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam đang có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để hướng đến mục tiêu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7% vào GDP, dự thảo Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, với các địa phương, tiếp tục triển khai Chiến lược và Kế hoạch triển khai Chiến lược mà UBND cấp tỉnh đã ban hành; đồng thời sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới; Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, hình thành các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Một số địa phương (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Quảng Ninh...) ban hành cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ các không gian sáng tạo, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị tổ soạn thảo tập trung rà soát, hoàn thiện đầy đủ các nội dung dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng yêu cầu, Dự thảo Chỉ thị phải đảm bảo bao quát hết các nội dung mà Thủ tướng đã kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 22/12 vừa qua.
Đồng thời, rà soát chức năng, nhiệm vụ các Bộ ngành liên quan trực tiếp tham gia phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, từ đó đề xuất những nhiệm vụ cụ thể trong dự thảo Chỉ thị.
"Gấp rút hoàn thiện nội dung dự thảo Chỉ thị để xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương và trình Thủ tướng đúng tiến độ (tháng 1/2024)"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu./.