Hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
06/12/2023 | 16:58Thời gian qua, việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản mà họ đang nắm giữ, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng 06/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, Bộ VHTTDL đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP.
Theo đó, Dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương 19 điều, bao gồm: Chương I: Quy định chung gồm 07 điều: Từ Điều 1 đến Điều 7. Chương II: Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 02 điều: Điều 8 và Điều 9. Chương III: Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 04 điều: Từ Điều 10 đến Điều 13. Chương IV: Hồ sơ, quy trình và thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 04 điều: Từ Điều 14 đến Điều 17. Chương V: Điều khoản thi hành gồm 02 điều: Điều 18 và Điều 19.
Dự thảo Nghị định cũng quy định một số nội dung cơ bản gồm:
Quy định cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian là đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Đồng thời, quy định cá nhân đã được đào tạo chính quy về loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và đã thoát ly khỏi hoạt động cộng đồng không thuộc đối tượng để xét tặng danh hiệu.
Quy định về nguyên tắc, thẩm quyền tổ chức xét tặng, công bố danh hiệu, quyền và nghĩa vụ của cá nhân được tặng danh hiệu và kinh phí xét tặng và tiền thưởng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì tổ chức việc xét tặng danh hiệu theo Kế hoạch được xây dựng trước mỗi đợt xét tặng. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân được tạng danh hiệu tại địa phương.
Quy định tiêu chuẩn danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; có kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của từng loại hình thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
Quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cụ thể tại từng cấp Hội đồng bảo đảm sự minh bạch, thuận lợi và khoa học…
Như vậy, việc xây dựng Nghị định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP sẽ góp phần hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực di sản văn hóa (di sản văn hóa phi vật thể) nói riêng. Từ đó bảo đảm quyền, nghĩa vụ của cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện một cách công bằng, nghiêm túc và triệt để./.