Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Mường

05/09/2023 | 08:34

Người Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo. Nhiều năm qua, tỉnh đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.

Hòa Bình: Lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Mường - Ảnh 1.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc... Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch". Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đầu năm 2023, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức tại Mường Bi - Tân Lạc là điểm nhấn trong các sự kiện văn hóa của tỉnh. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường trong tỉnh, nhất là ở 4 vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Với ý nghĩa và giá trị sâu sắc, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH được tỉnh quan tâm thực hiện. Đối với DSVH phi vật thể, trong công tác quản lý di tích, di vật, cổ vật, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều di tích của người Mường như: Các khu mộ cổ tại Đống Thếch, Kim Truy (Kim Bôi); xóm Lồ (nay là xóm Mường Lồ), xóm Lũy (nay là xóm Lũy Ải), Đống Bay (Tân Lạc); Đồi Thung, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn); xã Nhuận Trạch, Cư Yên (Lương Sơn); xã Dũng Phong (Cao Phong)… Trong quá trình khai quật tại các khu mộ cổ đã phát hiện nhiều di vật, cổ vật về đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt… có giá trị, là tư liệu quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử của dân tộc Mường cũng như tìm hiểu nền văn hóa văn minh Việt cổ. Các hiện vật, di vật, cổ vật hiện được lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng quốc gia, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và các nhà sưu tập đồ cổ trong, ngoài tỉnh. Các di tích đình, đền, chùa, miếu gắn với tín ngưỡng dân gian có 221 điểm di tích được kiểm kê và đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh, 43 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia.

Giá trị của di sản nhà sàn, trang phục truyền thống của người Mường thời gian gần đây đã được quan tâm. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nghệ thuật chiêng đã đạt được kết quả tích cực. Trong các lễ hội của tỉnh, nghệ thuật chiêng Mường được đầu tư công phu, quy mô lớn như: Lễ hội Chiêng Mường lần thứ nhất năm 2011 và lần thứ hai năm 2016 nhân dịp Kỷ niệm 125 năm và 130 năm thành lập tỉnh, được Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam với 1.600 nghệ nhân. Năm 2016, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, việc kiểm kê phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các DSVH phi vật thể được quan tâm. Kết quả đã kiểm kê được 267 DSVH phi vật thể của dân tộc Mường. Căn cứ kết quả kiểm kê đã lập hồ sơ khoa học đề nghị 4 DSVH phi vật thể của người Mường Hòa Bình được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật chiêng Mường; mo Mường; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường; Lịch tre của người Mường. Trong đó, DSVH mo Mường Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO. Hiện đang tiếp tục xây dựng hồ sơ các di sản "Nghề dệt cạp váy Mường” và "Hát thường đang - bộ mẹng” của người Mường Hòa Bình đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia để bảo tồn và phát huy...

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Cùng với những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường, hiện nay, tiến trình đô thị hóa với nếp văn minh đô thị thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống của đồng bào Mường cả những mặt tích cực và tiêu cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ biến dạng, thậm chí biến mất khỏi đời sống cộng đồng người Mường. Sở VH-TT&DL tham mưu tỉnh xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Việc triển khai đề án là hết sức cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH và truyền thống tốt đẹp của người Mường. Đồng thời quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển KT-XH tỉnh trong thời gian tới.

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×