Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hòa Bình: Khai thác lợi thế thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa để phát triển du lịch

13/06/2022 | 14:23

Là vùng đất giao thoa giữa miền núi và đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, tỉnh ta có nền văn hóa đa dạng và đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như hồ Hòa Bình, suối khoáng nóng Kim Bôi, Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn)… Các bản làng du lịch cộng đồng ở huyện Mai Châu, Đà Bắc là những tiềm năng rất lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều khởi động cụ thể thu hút đầu tư, khai thác lợi thế đó để phát triển du lịch xanh, bền vững và an toàn.

Hòa Bình: Khai thác lợi thế thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Bản sắc văn hóa dân tộc Mông được tái hiện tại Phiên chợ vùng cao năm 2022 thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm.

Phiên chợ vùng cao tỉnh năm 2022 với chủ đề "Hội tụ và lan tỏa” được tổ chức dịp tháng 5 vừa qua nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng SEA Games 31 nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế đã đem lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Chị Nguyễn Thanh, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Được hòa mình trải nghiệm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Mường, Thái, Mông…, chúng tôi bị cuốn hút bởi những trò chơi dân gian, món ăn truyền thống của các dân tộc. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại thăm, tìm hiểu thực tế các bản làng của đồng bào các dân tộc nơi đây…

Từ lâu nay, hình ảnh du lịch của tỉnh đã ghi dấu ấn trong lòng du khách. Tỉnh có lòng hồ thủy điện Hòa Bình phong cảnh hoang sơ, hữu tình với nhiều bản làng văn hóa dân tộc Mường, Dao, Tày; vùng đất xinh đẹp Mai Châu được bình chọn là 1/10 điểm đến thú vị của thế giới; nhiều xã vùng cao ở Lạc Sơn, Tân Lạc có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong xanh, gần rừng nguyên sinh tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và du khách. Tỉnh đã ban hành những nghị quyết, đề án chuyên đề để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/ 2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch Hòa Bình đang từng bước đạt được các tiêu chí cơ bản để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá tốt, đạt trên 10%/năm, chỉ giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 37-KL/TU, ngày 29/1/2021 sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu "Phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc". Nhằm tiếp tục phát triển du lịch thực hiện mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025, thu hút đầu tư đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao; cơ sở lưu trú đạt trên 6 nghìn phòng. Đến năm 2025, đạt 4,9 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động, với gần 9 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch; xây dựng khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện của khu du lịch quốc gia vào năm 2025. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu đón 3,76 triệu lượt khách, trong đó có 660 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 3.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 -2030 thu hút đầu tư đạt trên 11,9 nghìn tỷ đồng, nâng cao chất lượng các sản phẩm và thương hiệu du lịch tỉnh; phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng; khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đa dạng sản phẩm du lịch gắn với phát huy văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Phát triển dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch thể thao, hội thảo, dịch vụ du lịch cộng đồng, kinh tế ban đêm. Chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước, quốc tế. Đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, đặc biệt là liên kết với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nước ngoài để mở rộng thị trường thu hút khách, thúc đẩy phát triển du lịch.

Tỉnh ủy đang thực hiện nhiều hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, liên kết hợp tác, kết nối thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch, hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, đô thị, nghỉ dưỡng… Đồng thời chỉ đạo triển khai các dự án, công trình trọng điểm để thu hút đầu tư, hỗ trợ các dự án lớn đầu tư sớm khởi công tập trung vào lĩnh vực đô thị, sinh thái, du lịch chất lượng cao trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa tập trung tại một số khu vực trọng điểm như Kim Bôi, Lạc Sơn, vùng hồ Hòa Bình…

Theo Báo Hòa Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×