Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển

02/09/2021 | 08:19

Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển đất nước trong di sản Hồ Chí Minh được Đảng ta nhấn mạnh trong các văn kiện Đại hội XIII với quan điểm chỉ đạo “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển - Ảnh 1.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Cuối thế kỷ XIX, tư tưởng phong kiến đã hoàn toàn bất lực và thất bại trước các nhiệm vụ lịch sử. Đầu thế kỷ XX, tư tưởng tư sản cũng bất lực và thất bại hoàn toàn. Một bầu không khí ảm đạm bao trùm đất nước. Nhiều người than thở: “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/Đêm đến bao giời mới sáng cho”. Các nhà yêu nước ngồi đàm đạo chỉ với một câu hỏi: “Ai có thể giúp ta đánh đuổi thực dân Pháp để giải phóng đất nước? 

Trong bối cảnh đó, với lòng yêu nước, muốn cho đất nước được độc lập, Nguyễn Tất Thành trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân. Trạc mười ba tuổi, khi còn trên ghế trường tiểu học, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành biết đến mấy chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Lúc bấy giờ, Anh đã có sự hoài nghi những chữ đó, vì chẳng thấy tự do, bình đẳng, bác ái, chỉ thấy áp bức, bóc lột, bất công. Ngay từ lúc đó, Nguyễn Tất Thành đã có ý định sang Pháp tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các chữ đó.

Ý định sang Pháp theo suốt cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành từ Vinh đến Huế và Sài Gòn. Đi tới đâu Anh cũng thấy đồng bào mình bị đọa đầy, đau khổ. Sau một thời gian ở Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành quyết định sang Pháp và các nước khác xem xét họ làm ăn ra sao rồi sẽ trở về giúp đồng bào ta. Đó là một quyết định táo bạo, chứa đựng trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn, cách thức và khát vọng độc lập.

Với cuộc hành trình mười năm, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề lao động chân tay để vừa kiếm sống vừa khám phá, tìm hiểu cuộc sống ở các nước tư bản và các nước thuộc địa. Anh nhận được nhiều điều mới mẻ. Bao suy nghĩ và câu hỏi được đặt ra như ở Pháp cũng có người nghèo khổ như bên ta. Tại sao người Pháp không khai hóa dân tộc họ trước khi sang khai hóa chúng ta? Anh nhận ra rằng trên đầu Tượng thần Tự do tỏa ra ánh hào quang, nhưng những nơi khác ở Mỹ, dưới chân Tượng thần, vẫn còn nhiều người sống rất nghèo khổ. Chứng kiến cảnh sống của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Tất Thành nhận xét rằng dù màu da, tiếng nói, chủng tộc khác nhau, nhưng vẫn có thể coi nhau như anh em một nhà, và cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi, tình hữu ái vô sản.

Cuộc hành trình qua Pháp, Mỹ, Anh và nhiều thuộc địa khác đem lại cho Nguyễn Tất Thành nhiều điều bổ ích, càng nung nấu khát vọng giành độc lập cho dân tộc mình và các dân tộc khác. Trở lại Pháp cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành thật sự bước chân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Anh vào Đảng Xã hội Pháp chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực An Nam thuộc địa và là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái.

Hoạt động và cống hiến nổi bật đầu tiên của Nguyễn Tất Thành trong giai đoạn này là thay mặt những người Việt Nam ở Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi các quyền tự do. Cũng từ đây tên gọi Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn “người yêu nước” bắt đầu xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế.

Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài đăng trên báo L’Humanité tiếp tục khẳng nguyện vọng tự do của nhân dân An Nam, đồng thời lên án chính sách cai trị, những thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân Pháp ở Đông Dương. Người cũng tham gia các hoạt động của Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp thành lập cuối năm 1919 để bảo vệ cách mạng Nga.

Giải phóng dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa là trục chính xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Nguyễn Ái Quốc khi vào Đảng Xã hội Pháp. Chính điều đó đã giúp Người vượt lên tất cả những hạn chế của mình trong nhận thức những vấn đề chính trị khác. Khi trong Đảng Xã hội Pháp tranh luận về việc tham gia Đệ tam Quốc tế, hay Đệ nhị Quốc tế, thậm chí thành lập Quốc tế hai rưỡi, chính Nguyễn Ái Quốc nêu lên một câu hỏi mà người ta không đề cập đến, đó là tổ chức nào bênh vực, đoàn kết với các dân tộc thuộc địa và giúp họ thực hiện sự nghiệp giải phóng? Các đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp đưa cho Người bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin.

Tác phẩm của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi nhắc lại sự kiện đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định “lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đưa Người tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin vừa làm công tác thực tế, dần dần Người hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Đó là một đúc kết sâu sắc có ý nghĩa đột phá về lý luận, giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đến với chủ nghĩa Lênin năm 1920, Nguyễn Ái Quốc kết thúc cuộc hành trình “tìm đường” đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Từ năm 1921 trở đi, Người thực hiện nhiệm vụ “mở đường” cho đến năm 1930, chuẩn bị chín muồi các nhân tố để thành lập Đảng. Nguyễn Ái Quốc ghi trên lá cờ Đảng “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh”. Từ đó trở đi đến năm 1945, Người cùng Đảng ta thực hiện nhiệm vụ “dẫn đường” cho toàn dân tộc để giành độc lập. Khi cả dân tộc phải chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” của cả Pháp và Nhật, Người khẳng định nhiệm vụ duy nhất, cao nhất là giải phóng dân tộc. Bởi vì nếu dân tộc không được giải phóng, không giành được độc lập, thì quyền lợi của giai cấp, của bộ phận đến vạn năm cũng không đòi lại được. Không giành được độc lập dân tộc, sẽ không có gì hết, mãi mãi kiếp nô lệ.

Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển - Ảnh 2.

Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Với ý chí tự lực, tự cường đem sức ta mà giải phóng cho ta; dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, chỉ trong mười lăm ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước. Thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Độc lập là khát vọng cháy bỏng của dân tộc và Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng ta quyết giữ bằng được giá trị thiêng liêng, cao quý đó. Nhưng độc lập mới chỉ là thành quả bước đầu. Với Hồ Chí Minh, nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì vậy, từ sau Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền cảm hứng khát vọng phát triển cho cả dân tộc. Những tháng ngày đầu tiên của một đất nước độc lập, Người đã chuyển tải một thông điệp về xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho theo kịp các nước trên hoàn cầu; làm cho nước Việt Nam tươi đẹp, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ tới một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường. Người gắn kết khát vọng giải phóng với khát vọng phát triển. Trong ác liệt của bom đạn do đế quốc Mỹ gây ra, Người khẳng định “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc được khẳng định trong Di chúc: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Người dặn lại Đảng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm. Kế hoạch đó tập trung vào phát triển kinh tế và văn hóa để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển đất nước trong di sản Hồ Chí Minh được Đảng ta nhấn mạnh trong các văn kiện Đại hội XIII với quan điểm chỉ đạo “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Khơi dậy khát vọng phát triển vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước và sánh vai với các cường quốc năm châu trở thành nguồn cảm hứng bất tận từ Hồ Chí Minh đến Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta nguyện thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng vủa toàn dân tộc ta.

Theo hochiminh.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×