Hiến kế tìm khách du lịch cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
20/11/2017 | 08:35Sau khi đi vào vận hành, khai thác, Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã bước đầu phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu đầu tư, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước trở thành “ngôi nhà chung” của đồng bào 54 dân tộc anh em.
Tìm hướng đi cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nhờ triển khai các hoạt động thường xuyên của một số dân tộc và hoạt động cuối tuần, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thu hút ngày càng đông du khách. Theo đó, trong năm 2016, Làng đã đón trên 500.000 lượt khách, tăng 100% so với năm 2015. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, Làng đón trên 350.000 lượt khách tham quan.
Hội nghị Tọa đàm “Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới”. |
Tuy nhiên, bênh cạnh với những kết quả đạt được thì hiện nay, Dự án này vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cụ thể như: nguồn vốn ngân sách cấp cho Dự án trên thực tế mới chỉ đạt 52%, chưa thu hút được đông đảo đồng bào dân tộc tham gia hoạt động thường xuyên, thiếu các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch...
Thực hiện kết luận của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, giảm triệt để bao cấp của Nhà nước,ngày 19/11, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tọa đàm “Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Ông Lâm Văn Khang - Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: "Việc tổ chức hội nghị nhằm rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế trong quá trình tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, xác định những tồn tại, hạn chế để đưa ra phương hướng, giải pháp và định hướng phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới."
Cần có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy xã hội hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, đến tháng 3/2018, Bộ phải báo cáo lên Chính phủ phương án cụ thể về mô hình quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho hay: "Hiện nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đón 1 triệu lượt khách vào năm 2020, muốn đạt được mục tiêu này Ban quản lý Làng Văn hóa cần phối hợp với ban ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch."
Đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ khách du lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho ý kiến: "Ban quản lý Làng Văn hóa cần đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào Dự án. Muốn được như vậy, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù đối với những doanh nghiệp này."
GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Để làm phong phú hơn nữa đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa, theo GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: "Cần thay đổi phương thức đưa đồng bào đến Làng Văn hóa sinh sống như hiện nay, thay vì vẫn đưa một số cá nhân tiêu biểu đại diện cho từng dân tộc thì phải đưa từng hộ gia đình để họ có thể sinh hoạt theo từng xóm, làng."
Cùng ý kiến này, PGS.TS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu di sản văn hóa cho hay, chúng ta muốn phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thì phải lấy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc làm điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Về lâu dài, phải biến nơi đây trở thành trung tâm nghiên cứu về văn hóa dân tộc lớn nhất của cả nước./.
Thế Công