Hiến kế để chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam
29/08/2017 | 09:54Ngày 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Báo Lao Động đã tổ chức Hội thảo Chuyên nghiệp hóa và Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Hội thảo có sự tham dự của ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, lãnh đạo sở ban ngành của các thành phố du lịch nổi tiếng, cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các công ty, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch như Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Thiên Minh...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá, du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch và thu hút khách du lịch.
Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, năm 2016, ngành du lịch đã thu hút được 10 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 62 triệu lượt khác nội địa. Tổng doanh thu đạt hơn 400 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2015.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có quan điểm phát triển và giải pháp mang tính đột phá về du lịch. Nghị quyết chỉ rõ quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành của toàn xã hội.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2017 đã được Thủ tướng chỉ đạo thông qua Chỉ thị 24/CT-TTg, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt từ 13-15 triệu lượt khách, tăng trưởng từ 30-50% so với năm 2016. Đây là mục tiêu rất lớn vừa là nhiệm vụ, vừa thể hiện rõ yêu cầu và vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước các chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, trước yêu cầu và bối cảnh phát triển cũng như những dư địa quan trọng của du lịch, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, phát triển du lịch trong thời gian tới phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có bước phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và phát tiển lâu dài. “Để tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự quyết tâm của ngành du lịch và các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là của ngành du lịch. Đây là việc Bộ VHTTDL đang ráo riết chỉ đạo ngành du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới” – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, ngành du lịch đã có bước phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao, khách du lịch quốc tế tăng 1,7 lần, trung bình tăng 11%/năm; khách du lịch nội địa tăng 2,1 lần, trung bình tăng 16%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng 3,2 lần, trung bình tăng 26%/năm. Năm 2016, du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 8,8% so với năm 2015; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2015.
Tháng 8 – vốn là tháng thấp điểm nhưng lượng khách đến Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng cao, với 1.229.163 lượt khách quốc tế, tăng 18,5% so với tháng 7/2017 và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính 8 tháng năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8.472.379 lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2016; khách du lịch nội địa ước đạt 52,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 335.840 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ.
Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bước đầu hình thành những điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.Chất lượng và tính chuyên nghiệp ngày càng dần được nâng cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa xứng với tiềm năng, du lịch Việt Nam còn những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu phát triển.
Để góp phần khắc phục các hạn chế, yếu kém của du lịch Việt Nam, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, giải pháp tại hội thảo, trong đó tập trung vào 2 giải pháp chính: Chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, kinh doanh du lịch và Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác được tài nguyên du lịch vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Các diễn giả và doanh nghiệp du lịch đã cung cấp nhiều thông tin, phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp về: tầm nhìn chiến lược; chính sách phát triển du lịch phù hợp xu thế phát triển; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đủ năng lực; cải tiến công tác xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tham gia chuỗi giá trị.
Đặc biệt, tại hội thảo, đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng nội dung, giới thiệu và bán sản phẩm du lịch theo chủ đề, như lễ hội du lịch văn hóa, thể thao, nghệ thuật biểu diễn, chợ truyền thống, trải nghiệm đặc biệt…
Hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến và sản phẩm du lịch hấp dẫn của các chuyên gia du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch. Các ý kiến đều thống nhất: để phát triển du lịch không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Tất cả đều cùng tham gia trong quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại./.
Lâm Minh