Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hiến kế cho “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”

25/10/2021 | 21:04

Văn hóa không chỉ là chuyện nội bộ của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật, bởi vậy việc phục hưng văn hóa, tạo sức mạnh mềm văn hóa không thể chỉ đóng khung trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, ông Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng- nêu ý kiến

Lần đầu tiên tôi được nghe thông tin Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai các nội dung về văn hóa, văn học nghệ thuật nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là vào ngày 22/9 vừa qua, khi Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ tư Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội - theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dành cho các ủy viên Đoàn Chủ tịch ở một số địa phương ngoài Hà Nội - để bầu Chủ tịch Liên hiệp Hội.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thông báo rằng, Ban Bí thư dự kiến tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này đúng vào ngày 24/11 - thời điểm tròn 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Tại "Hội nghị Diên Hồng về văn hóa" tổ chức trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta lần nữa vào cuối năm 1946, Bác Hồ đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị, trong đó có câu "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" còn truyền tụng cho đến ngày nay. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Đảng ta chỉ tổ chức được Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai khai mạc ngày 16/4/1948 tại chiến khu Việt Bắc.

Và hơn 70 năm sau, sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới được tổ chức.

Hiến kế cho “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.

Nên có một bản tổng hợp những góp ý/hiến kế cho hội nghị

Theo tôi, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, trước khi hội nghị khai mạc chừng vài ngày, Ban Tổ chức nên có một bản tổng hợp những góp ý/hiến kế cho hội nghị, bao gồm các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông - nhất là trên Báo điện tử Tổ Quốc - nêu rõ những góp ý/hiến kế nào được xem là hợp lý và khả thi có thể tiếp thu ngay và chuyển thành chương trình hành động thực hiện các nội dung về văn hóa, văn học nghệ thuật nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Có như vậy, trên diễn đàn hội nghị, các đại biểu sẽ có nhiều thời gian hơn để trao đổi thêm những ý kiến mới, hoặc để thảo luận kỹ thậm chí tranh luận về những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau, hay về những ý kiến tuy hợp lý song chưa khả thi, cần được tính toán thêm về lộ trình phấn đấu để không mang tiếng là quá lãng mạn, duy ý chí… 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc thì đương nhiên cử tọa chủ yếu phải là những người trực tiếp hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật - tức là người trong cuộc đang rất quan tâm đến các động lực sắp được tạo ra từ thành công (các kết luận, định hướng và các quyết nghị) của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này để thúc đẩy văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà phát triển xứng tầm "là nền tảng tinh thần", để "văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định.

Thế nhưng, nếu chỉ khoanh vùng cử tọa dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này trong phạm vi người trong cuộc như vậy thì tôi sợ rằng rốt cuộc người trong cuộc chỉ có thể "hát cho nhau nghe", rất ít hiệu quả.

Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra yêu cầu: "Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa", nhưng muốn vậy thì không phải khởi động từ đầu tư mà là phải khởi động từ cái đầu, tức là từ nhận thức "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" như Bác Hồ căn dặn, hay tối thiểu là từ nhận thức "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" như nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI). Nếu không đặt vấn đề đầu tư/từ đâu để khởi động đúng mức cái đầu ấy/nhận thức ấy chắc cũng không thể có cái đầu tiên/tiền đâu đủ để mà đầu tư nguồn lực tài chính và quan trọng hơn là đầu tư nguồn lực con người cho phát triển văn hóa…

Văn hóa không chỉ là chuyện nội bộ của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật, bởi vậy việc phục hưng văn hóa, tạo sức mạnh mềm văn hóa không thể chỉ đóng khung trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Vì thế, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này không thể không bàn tới văn hóa của kinh tế, đến văn hóa trong doanh nghiệp, đến chữ Tín trong kinh doanh; không thể không bàn đến văn hóa trong gia đình, trong khu dân cư; không thể không bàn đến văn hóa trong chính trị, đến văn hóa trong công sở, đến văn hóa Đảng (tháng 4/2006, khi còn làm Bí thư Quận ủy quận Thanh Khê thành phố Đà Nẵng, tôi đã từng phối hợp với Bí thư Thành ủy thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) Tô Hồng Hải để tổ chức một hội thảo khoa học về văn hóa Đảng).

Con người văn hóa

Khi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh "tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước" thì đó là "con người toàn diện" thấm đẫm văn hóa và hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không chỉ trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Đương nhiên trong giới hạn thời gian của một hội nghị trực tuyến, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này tuy cần bàn rộng về con người toàn diện nhưng chắc chỉ có điều kiện bàn sâu khía cạnh con người văn hóa, thậm chí hẹp hơn là bàn sâu khía cạnh nguồn lực con người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật… 

Do vậy, để góp một tiếng nói vào Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, tôi xin bàn sâu về việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Trước hết, cần thấy việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật vốn có những khó khăn nhất định.

Về khách quan, có thể nói hiện nay cả chính quyền và người dân cũng còn xem hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật nhẹ hơn hoạt động kinh tế, chưa "ngang hàng" với hoạt động kinh tế, từ đó không làm hoặc làm không có hiêụ quả đối với lĩnh vực này cũng không sao, cũng không thấy bức xúc.

Về chủ quan, có thể thấy làm văn hóa, văn học nghệ thuật không hề dễ dàng, nhất là đối với việc tạo nguồn nhân lực ở cả hai bộ phận quản lý nhà nước cũng như tác nghiệp chuyên môn về các hoạt động văn hóa và sáng tác/biểu diễn các bộ môn nghệ thuật.

Phàm làm nghề gì cũng phải qua đào tạo để có một trình độ tay nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu công vụ và đặc biệt là nhằm khẳng định tài năng nghề nghiệp, nhưng đối với những nghề liên quan đến văn hóa, văn học nghệ thuật còn đòi hỏi người hành nghề phải có một số tố chất cần thiết như là lòng yêu nghề, là thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật và nhất là cách ứng xử thật sự có văn hóa.

Chính cả hai loại khó khăn vừa khách quan vừa chủ quan như vừa nêu tác động cùng lúc đã khiến cho quá trình tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay chưa được như mong đợi.

Quan sát từ trường hợp thành phố Đà Nẵng, tôi thấy về văn hóa, Đà Nẵng - và chắc không riêng Đà Nẵng - đang thiếu những chuyên gia dịch thuật Hán - Nôm đủ để tự mình vượt qua hàng rào ngôn ngữ của quá khứ nhằm sưu tầm, nghiên cứu kịp thời các di sản văn hóa có yếu tố Hán - Nôm trên địa bàn thành phố; càng thiếu những chuyên gia bảo tàng học đủ để tự mình thuyết minh chính xác về các hiện vật được hoặc chưa được trưng bày trong các bảo tàng Đà Nẵng, nhất là các hiện vật được hoặc chưa được trưng bày trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm - những hiện vật đòi hỏi người thuyết minh phải thông thạo không chỉ về lịch sử mà còn phải thông thạo chữ Chăm chữ Phạn; càng thiếu hơn những chuyên gia về trùng tu di sản đủ để không xảy ra tình trạng phá hoại di sản hương hỏa cha ông truyền lại nhân danh trùng tu di sản; từ đó mà thiếu những nhà quản lý ngành xuất thân chuyên môn, am hiểu các vấn đề "bếp núc" trong lao động của nghề…

Về nghệ thuật, tôi cũng thấy Đà Nẵng - và chắc không riêng Đà Nẵng - đang thiếu những nghệ sĩ sáng tác lẫn nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là những nghệ sĩ có thể sống được với nghề/với tác phẩm nghệ thuật của mình.

Hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học của Đà Nẵng đều là người làm văn chương bằng tay trái, nhất là những người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là tình cảnh phổ biến của các họa sĩ, nhà lý luận phê bình hội họa; của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc; của các đạo diễn và tác giả kịch bản sân khấu cũng như điện ảnh…

Chính vì không có điều kiện làm nghệ thuật bằng tay phải nên phần đông nghệ sĩ sáng tác ở Đà Nẵng thường không được cập nhật thông tin liên quan đến các thành tựu mới trong nghiên cứu lý luận văn chương và nghệ thuật của thế giới. Rồi chính sự bất cập vừa nêu của giới sáng tác đã dẫn đến sự bất cập của giới biểu diễn. Làm sao nghệ sĩ múa - dẫu có hồn đến mấy, thăng hoa đến mấy vào ngôn ngữ của vũ điệu - có thể tránh được tình trạng biểu diễn đơn điệu - rõ nhất là đối với múa Apsara - khi các biên đạo múa chưa thật sự sáng tạo nên những vũ khúc hay…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn nhân lực        

Liệu có thể cải thiện được tình trạng chưa như mong đợi về tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật hay không?

Theo thiển ý, muốn được thế thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tạo nguồn theo hướng coi trọng đào tạo chất lượng cao, luôn tìm cách tôn vinh các tài năng nghệ thuật. Làm nghề gì cũng đòi hỏi tài năng nhưng làm văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là đối với các bộ môn nghệ thuật thì càng không thể không khẳng định tài năng và đánh giá cao những người thực sự có tài.

Cố họa sĩ Lưu Công Nhân từng cho rằng trong sáng tác hội họa, đạo đức nghề nghiệp không gì khác là phải thât sự có tài, phải vẽ được những bức tranh đẹp. Tài năng trong nghệ thuật được hình thành do thiên phú nhưng chủ yếu do được đào tạo hẳn hoi trong nhà trường và quan trọng hơn là do được thường xuyên hành nghề nhằm tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và đổi mới tư duy sáng tạo. Tạo nguồn tài năng trong nhà trường cần tiến hành bằng cả hai phương thức: Đầu tư để chủ động tuyển chọn người có triển vọng đưa đi đào tạo và trải thảm đỏ để thu hút tài năng sẵn có đã qua đào tạo.

Còn tạo nguồn tài năng trong thực tiễn hành nghề thì không có cách nào hiệu quả hơn việc tăng cường tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nhà hát, kể cả việc mở rộng hoạt động giao lưu đối ngoại về văn hóa để cử đoàn nghệ thuật của nước ta đi tham gia các liên hoan biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài; đi đôi với việc tổ chức các giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm để trao giải nhằm tôn vinh những tài năng thực sự, đồng thời tạo điều kiện để nghệ sĩ sáng tác của nước ta được gửi tác phẩm đi dự thi tại các giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc/khu vực và cả ở nưóc ngoài.

Tạo nguồn nhân lực nói chung và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật còn cần phải bắt đầu sớm từ các nhà trường phổ thông nhằm giáo dục thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật cho thế hệ trẻ và qua đó mà phát hiện những mầm mống tài năng nghệ thuật trong học sinh phổ thông.

Và muốn được thế thì không thể không kỳ vọng vào kết quả đạt được, hay như đã nói trên, không thể không kỳ vọng vào các động lực sắp được tạo ra từ thành công (các kết luận, định hướng và các quyết nghị) của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này để thúc đẩy văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà phát triển với tư cách một "nền tảng tinh thần", một "sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×