Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa góp phần vào sự phát triển phồn thịnh cho người dân và đất nước
30/11/2022 | 09:10Chiều ngày 29/11, trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", đã diễn Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới".
Dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Hội thảo được kết nối với hai điểm cầu Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh.
Hệ giá trị văn hóa nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương điều hành phiên thảo luận thứ 2 đề nghị Hội thảo tập trung vào đánh giá, phân tích vị trí và ý nghĩa của hai giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Phân tích cốt lõi của hai hệ giá trị, mối quan hệ biện chứng của hai hệ giá trị và đồng thời đề xuất giải pháp trong thực tiễn để hệ giá trị vào đời sống.
Với tham luận "Một số nhận thức về hệ giá trị văn hoá", PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, hệ giá trị văn hóa là vấn đề không mới, luôn được đề cập tới trong các văn bản nghị quyết, trong các diễn đàn thảo luận về các vấn đề văn hóa xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hóa và trên truyền thông. Trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng, khi con đường phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định rõ, các vấn đề về giá trị, hệ giá trị văn hóa được đặt ra và nói tới hàng ngày.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, giá trị, hệ giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình tương tác với tự nhiên, xã hội, sự sáng tạo này là liên tục và đến lượt mình (hệ giá trị văn hoá) lại trở thành yếu tố cơ sở, nền tảng, chuẩn mực chi phối phương châm, triết lý sống cũng như từng hành vi của con người. Như vậy, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của hệ giá trị văn hoá.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết trong tham luận "Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới" nêu các giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học gồm: Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị; Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; Nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sỹ; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; Phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp; Phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị.
Trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, con người Thành phố gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác", ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM cho biết: TP Hồ Chí Minh xác định phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, con người thành phố, quyết tâm xây dựng thành phố "Văn minh - hiện đại - nghĩa tình"; xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người thành phố: "năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình".
Hệ giá trị quốc gia là giá trị tích cực thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại
Tham luận "Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia" của GS.TS. Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo.
Giá trị quốc gia là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo. Giá trị loại cũng như khát vọng hướng tới của nhân loại. Từ đây có thể hiểu nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại. GS.TS. Trần Văn Phòng cũng đề nghị phải xây dựng lộ trình triển khai 4 hệ giá trị này.
GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam trình bày tham luận có chủ đề "Xây dựng hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay" cho rằng: Giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh những khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia. Đó những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập", những giá trị được biểu hiện rõ ràng trong quốc hiệu của Nhà nước mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
PGS.TS Từ Thị Loan đề xuất hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay gồm 8 giá trị như sau: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Công bằng, Văn minh, Phồn vinh, Hạnh phúc, trong đó giá trị "phồn vinh" đã bao hàm hai giá trị "dân giàu, nước mạnh", sự phát triển phồn thịnh cho cả người dân và đất nước.
Tham luận "Về xây dựng hệ giá trị quốc gia trong tương quan với hệ giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị xã hội" của PGS.TS. Trần Quốc Toản, Nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần thống nhất trong nhận thức về các hệ giá trị. Hiện nay đang còn có những nhận thức khác nhau về mối quan hệ giữa hệ giá trị quốc gia với hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, với hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị xã hội. Hệ giá trị quốc gia bao hàm các giá trị cốt lõi trong đó có hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa. Hệ giá trị quốc gia phải bao quát các giá trị phát triển cốt lõi của dân tộc.
Theo PGS.TS. Trần Quốc Toản, tất cả các hệ giá trị đều xuất phát từ quá trình lao động xã hội - nền sản xuất xã hội - đời sống xã hội hiện thực của dân tộc - đất nước. Các giá trị con người - giá trị gia đình - giá trị văn hóa - giá trị xã hội được hình thành một cách khách quan, phụ thuộc một cách quyết định vào điều kiện xã hội hiện thực với lao động xã hội - nền sản xuất xã hội - đời sống xã hội hiện thực, không phải hình thành từ mong muốn chủ quan, duy ý chí, thoát ly đời sống hiện thực. Chỉ khi nhận thức như vậy, chúng ta mới hiện thực hóa được các hệ giá trị đó.
Tham gia Tọa đàm bàn tròn tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa có vai trò quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, là nền tảng để phát triển xã hội. Những hệ giá trị này vừa có ý nghĩa soi chiếu nhằm điều chỉnh những hành vi văn hóa, đạo đức ứng xử và nhiều hành vi khác trong đời sống văn hóa, khắc phục hạn chế và tăng cường mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
"Cùng với việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL được lựa chọn là "Năm văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", đây là hai lĩnh vực trọng điểm được lãnh đạo Bộ xác định để tạo hệ giá trị cốt lõi. Bộ VHTTDL trong năm đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức để thực hiện chủ đề năm đạt hiệu quả thực chất; hiện thực hóa các quan điểm, hoàn thiện thể chế, tháo nút thắt trong quản lý các lĩnh vực VHTTDL, đồng thời tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều Chiến lược phát triển văn hóa, các luật chuyên ngành. "Bộ cũng đã và sẽ tiếp tục triển khai ký kết với các Bộ, Ban ngành…. để cùng xây dựng nền tảng văn hóa, củng cố chuẩn mực đạo đức, văn hóa, khơi dậy khát vọng cống hiến, tăng cường các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh./.