Hành trình phát triển thể thao người khuyết tật ở Singapore mang lại nhiều bài học cho Việt Nam
24/06/2023 | 10:05Màn trình diễn mạnh mẽ của các vận động viên đội Singapore tại Paralympic Tokyo 2020, đặc biệt là 2 huy chương vàng của Yip Pin Xiu, đã thu hút sự chú ý đến thể thao người khuyết tật nước này.
Năm 1988, vận động viên bơi lội Thomas Yong đã giúp làm nên lịch sử cho Singapore. Ông là thành viên của nhóm tám người đầu tiên được chọn để đại diện cho Singapore tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Games.
Tại đây, Yong lọt vào vòng chung kết ở một trong ba nội dung đăng ký thi đấu là 100m bướm và dừng chân ở vị trí thứ tám. Thành tích này hầu như không gây chấn động ở quê nhà. "Khi chúng tôi về đến sân bay, người nhà của chúng tôi đến đón và đưa chúng tôi về nhà. Không có bất kỳ sự chào đón nào", ông chia sẻ.
Nhưng về trải nghiệm cá nhân, cuộc thi đã mở ra cho ông một thế giới mới. Ông giải thích: "Tôi đã gặp rất nhiều người khuyết tật khác nhau… Những nỗ lực của họ cho thấy rằng chúng tôi vẫn là con người. Bất cứ điều gì chúng tôi muốn làm, chúng tôi vẫn có thể làm được. Chỉ cần trao cho chúng tôi cơ hội."
Đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy
Và các môn thể thao dành cho người khuyết tật ở Singapore đã có những bước phát triển nhảy vọt kể từ khi Yong thi đấu tại Thế vận hội năm 1988. Đằng sau thành tích đó là nỗ lực không mệt mỏi của Hội đồng thể thao người khuyết tật Singapore (SDSC).
SDSC được thành lập vào năm 1973. Bên cạnh những hoạt động khác, tổ chức này tạo cơ hội học hỏi về thể thao và giúp đào tạo những tài năng triển vọng để đại diện cho Singapore tại các cuộc thi khu vực và quốc tế.
Chính phủ Singapore cũng đã đưa ra Kế hoạch Tổng thể về Thể thao Người khuyết tật vào năm 2016, mở đường thành lập các trung tâm chuyên môn về thể thao người khuyết tật, mở các phòng tập thể dục hòa nhập trên khắp đất nước để khuyến khích thêm nhiều người khuyết tật tham gia các môn thể thao.
Khi nói đến các môn thể thao thành tích cao, các vận động viên như Yip Pin Xiu, người đã giành được 6 huy chương vàng bơi lội Paralympic, đã trở thành những cái tên quen thuộc. Thành tích của họ được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông và chiến công của họ được tôn vinh, thảo luận tại Quốc hội.
"Tôi có thể nói rằng, thể thao người khuyết tật đang được 'chuyên nghiệp hóa'," ông Yong giải thích.
"Trong những năm đầu của tôi, ở thập niên 70 và 80, hầu hết các huấn luyện viên của chúng tôi đều hỗ trợ tự nguyện và họ không được trả lương gì cả. Nhưng bây giờ có vẻ như mọi thứ đang khác đi. Và khi tôi đến tập luyện tại Câu lạc bộ Temasek ... tôi có nhiều cơ hội hơn để tập luyện, không giống như những ngày đầu khi tôi phải tự tập luyện một mình", ông chia sẻ.
Thế vận hội Tokyo 2020 vừa qua cũng khơi dậy sự quan tâm đến các môn thể thao dành cho người khuyết tật. Nhiều người dân đã theo dõi tiến độ thi đấu của các vận động viên Singapore tại Paralympic Tokyo.
Thay đổi tâm lý cộng đồng
Giám đốc điều hành SDSC Kelly Fan cho rằng thể thao cần được công nhận là một hoạt động "thiết yếu" đối với người khuyết tật.
Bà Fan giải thích: "Chúng tôi đã liên hệ với nhiều cơ quan dịch vụ xã hội và dường như họ đều có một quan điểm chung là không thể dành sự quan tâm đến thể thao cho người khuyết tật vì phải nghĩ cách kiếm việc làm cho người khuyết tật trước. Ngay cả các vận động viên người khuyết tật cũng nhận được thông điệp tương tự. Cha mẹ của họ nói với họ, các thành viên trong gia đình nói với họ… hãy đến những nơi như McDonald's làm việc, và điều đó tốt hơn là chơi thể thao. Bởi vì, bạn đi chơi thể thao là bạn vẫn phải tiêu tiền".
Lúc này, cần một sự thay đổi tư duy trong cộng đồng. Ví dụ như cha mẹ của Yip Pin Xiu, họ đã để cho cô theo đuổi niềm đam mê bơi lội của mình. "Họ cho phép tôi là con người của chính mình khi còn rất nhỏ. Nếu tôi muốn tập trung nhiều hơn vào bơi lội thay vì học tập, họ cũng đồng ý ... Tôi không gặp phải sức ép đặc biệt nào và tôi nghĩ đó là một phần quan trọng trong cách tôi ưu tiên cho thể thao", cô nói với CNA.
Tâm lý cởi mở này đang được một số phụ huynh có con khuyết tật chia sẻ. Gia đình của vận động viên môn boccia (gần giống như môn bi sắt nhưng có thể đẩy bóng lăn chứ không nhất thiết phải ném như bi sắt) Aloysius Gan đã chuyển phòng khách thành phòng tập boccia tạm thời vào mỗi cuối tuần để cậu bé trau dồi kỹ năng của mình. Gan năm nay 17 tuổi đã được đề cử để thi đấu tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật trẻ châu Á sắp tới.
Ông Kagan Gan, cha của Aloysius, chia sẻ rằng ước mơ của Aloysius là một ngày nào đó sẽ giành được huy chương Paralympic: "Mọi người đang đo lường thành công theo nhiều cách khác nhau, có thể bằng nghề nghiệp của bạn, có thể bằng số tiền bạn kiếm được hàng tháng. Đối với chúng tôi, những cái đó không phải là ưu tiên hàng đầu… chúng tôi muốn con em mình làm điều gì đó chúng thích. Điều đó quan trọng hơn," ông nói thêm.
Giáo sư Teo-Koh Sock Miang, Chủ tịch của SDSC, cũng lưu ý rằng thể thao có thể giúp "vượt qua" tình trạng khuyết tật. Bà giải thích: "Thể thao có thể mang lại cho người khuyết tật một cuộc sống phong phú hơn rất nhiều. Không chỉ về thể chất mà còn về mặt xã hội, tình cảm… Đối với tôi, thể thao là điều cần có đối với người khuyết tật vì có thể giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện".
Tìm kiếm nhà tài trợ
Tìm kiếm nhà tài trợ là một thách thức mà SDSC phải đối mặt khi nỗ lực củng cố hệ sinh thái thể thao người khuyết tật.
Dựa trên báo cáo thường niên gần đây nhất, khoảng 65% kinh phí của SDSC trong năm tài chính 2021 nhận được từ chính phủ thông qua ban thể thao Sport Singapore và khoảng 23% nhận được từ các hình thức tài trợ khác.
Tiền đang được sử dụng cho nhiều thứ khác nhau như trợ cấp đào tạo cho huấn luyện viên và vận động viên, tổ chức các sự kiện và cuộc thi địa phương hay phát triển nguồn vận động viên trẻ.
Khi các nhà tài trợ tham gia, một số chọn tài trợ cho một môn thể thao cụ thể, trong khi những người khác tài trợ cho các chương trình cụ thể. Fan chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng nghĩ ra nhiều cách khác nhau để thu hút các nhà tài trợ của mình… Thông thường, chúng tôi ngồi lại với các nhà tài trợ của mình và tìm hiểu xem họ cảm thấy thoải mái với điều gì, liệu họ có muốn có mối quan hệ thân thiết với một nhóm vận động viên nào hay không. Họ có thể tham gia với các chương trình chung nếu họ không muốn tập trung một môn thể thao nào."
Một trong những nhà tài trợ đã hợp tác chặt chẽ với SDSC là Haw Par Corporation. Haw Par đã hỗ trợ cho đội boccia của Singapore và một số sáng kiến của SDSC kể từ năm 2015. Đến nay, công ty đã đóng góp 845.000 SGD cho SDSC.
Ông Wee Ee Lim, chủ tịch và giám đốc điều hành của Haw Par nhận thấy boccia không nổi tiếng như một số môn thể thao Paralympic khác và công ty này hy vọng có thể đóng vai trò hỗ trợ các vận động viên boccia và cộng đồng đằng sau họ, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Singapore (JCCI) cũng tham gia hỗ trợ cho SDSC. Ryosuke Shimizu, đại diện cho quỹ hỗ trợ thuộc JCCI cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc hỗ trợ thể thao người khuyết tật sẽ nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng đối với thể thao người khuyết tật, từ đó thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật".
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm các nhà tài trợ vì họ có thể không nhận được điều họ muốn. Giáo sư Teo-Koh, Chủ tịch Hội đồng Paralympic Quốc gia Singapore (SNPC) chia sẻ rằng vì Singapore là một thị trường nhỏ, các công ty không thấy được rõ giá trị của các vận động viên trong việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ.
Cựu vận động viên Olympic Mark Chay cũng lưu ý rằng phương pháp tài trợ truyền thống - dán logo lên áo sẽ không hiệu quả nếu các công ty muốn lan tỏa thương hiệu tại Singapore.
Thay vào đó, các công ty cần nhìn sâu hơn về giá trị mà các vận động viên này mang lại, có thể coi đây là nền tảng để họ đa dạng lực lượng lao động có thêm người khuyết tật hoặc mời các vận động viên khuyết tật tới chia sẻ và truyền cảm hứng.