Hạnh phúc của con người là mục tiêu cao cả nhất của sự phát triển
29/11/2021 | 13:38“Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong chặng đường phát triển bền vững đất nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11/2021.
Bài phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã liên tục nhận được những tràng vỗ tay của đại biểu có mặt ở Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), đồng thời làm nức lòng những người quan tâm đến văn hóa và yêu văn hóa Việt.
Trên chặng đường phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, chúng ta không bỏ quên văn hóa, cũng không xem nhẹ văn hóa, mà văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, bởi văn hóa có vai trò "soi đường cho quốc dân đi".
Quan hệ biện chứng giữa văn hóa và hạnh phúc
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu và chia sẻ quan điểm của riêng mình về văn hóa. Theo đó, khái niệm văn hóa được đề cập ở nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, ở phạm trù văn hóa vật thể lẫn phi vật thể.
Hiểu một cách đơn giản nhất, văn hóa chính là "những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ"; nghĩa là những gì xấu xa, tiêu cực, không mang tính chân - thiện - mỹ thì không được gọi là văn hóa và đó là phi văn hóa, phản văn hóa.
Chung quy lại, văn hóa chính là hạnh phúc mà mỗi người đều muốn hướng đến: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Đây cũng là thông điệp của Tổng Bí thư về văn hóa, về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và hạnh phúc. Xây dựng và phát triển văn hóa chính là xây dựng và phát triển hạnh phúc của con người, của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Cách đây 75 năm, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24-11-1946 ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở… Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng... Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ".
Như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa để đưa ra quan điểm về văn hóa trong thời đại mới. Hạnh phúc của con người là mục tiêu cao cả nhất của sự phát triển. Đó là triết lý phát triển bền vững mang đậm tính nhân văn, nhân đạo trong con đường phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; từ đó góp phần điều chỉnh nguyên tắc sống của chính bản thân con người và giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.
Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam
Khái niệm "sức mạnh mềm" được nêu trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, văn hóa được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Và cũng lần đầu tiên chúng ta nghe một bài phát biểu của người đứng đầu Đảng ta về sức mạnh mềm văn hóa một cách hàm súc, đầy đủ ý nghĩa, gói trọn tâm huyết và quyết tâm chấn hưng văn hóa.
Trong hơn một tiếng phát biểu, Tổng Bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích, như Chân quê (Nguyễn Bính), Việt Bắc (Tố Hữu)..., với lời nhắn nhủ hãy giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê; giữ cho đẹp cái tình thủy chung, sau trước...
Tổng Bí thư dẫn những câu tục ngữ, ca dao để nói về việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội…
Tổng Bí thư thống kê số bảo tàng trên cả nước, số di tích được xếp hạng di tích quốc gia, số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa thế giới", để thấy chúng ta đang sở hữu một tài sản vô cùng quý báu do cha ông ta mấy nghìn năm để lại mà không phải nơi nào cũng có được.
Bài phát biểu cũng nhắc đến lời Bác dặn trước lúc đi xa rằng "muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát dân ca!".
Đó chính là sức mạnh mềm văn hóa. Sức mạnh mềm đó có thể là những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ và phát huy như: dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, ca Huế, Nhã nhạc - âm nhạc Cung đình Việt Nam, nghệ thuật bài chòi, đờn ca tài tử Nam Bộ…
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sức mạnh mềm đó có thể là những điều rất đỗi bình dị, giản đơn, thân quen như một lời ru của mẹ; một khúc hát dân ca gắn liền với một miền quê, một vùng đất, nhưng là hành trang theo ta suốt đời, để rồi có khi nghe những lời ca, câu hò có hình bóng quê nhà thì lòng lại nao nao và nước mắt bỗng rơi…
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra ngày 22-8-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên thương hiệu cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới".
Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa đã và đang được ngành văn hóa quan tâm, quán triệt nhằm chuyển hóa hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của đất nước, từ đó phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để xứng danh một dân tộc có văn hóa
Dòng chảy của văn hóa Việt Nam cho thấy, nhận thức của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Điều đó được thể hiện rõ qua bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đảng ta khẳng định trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh… Chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng…".
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nhắc lại quan điểm, đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng về xây dựng con người văn hóa và môi trường văn hóa; từ đó chỉ ra những vấn đề liên quan đến hoạt động văn hóa cũng như những hạn chế, bất cập trong việc đầu tư cho văn hóa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa; chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa hiện nay…
6 nhiệm vụ cùng 4 giải pháp đã được Tổng Bí thư đề cập, trong đó có nhiệm vụ: "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới"; "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc".
Lúc sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê đã dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc dân tộc với mong muốn gìn giữ và đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Ông thường nói rằng, âm nhạc dân tộc Việt Nam, đối với ông, đó là "quốc hồn", "quốc túy".
"Không có hạnh phúc nào bằng được nói tiếng Việt, giảng dạy cho người Việt Nam. Không có cái ngon nào bằng được ăn món ăn Việt Nam và được nghe âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam... Không thể lấy bánh mì pate mà thay cơm Việt Nam, không thể lấy rượu Tây mà thay được ngụm nước quê nhà", GS.TS Trần Văn Khê từng dạy các học trò của mình.
Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay cũng chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian, hoặc đưa văn hóa dân gian vào sản phẩm của mình, tạo nên hơi thở mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc, như Khánh Ly (Á quân cuộc thi Hát thính phòng - Nhạc kịch TPHCM 2017), Thu Hằng (Quán quân Sao Mai 2015)…
Mới đây, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) diễn ra ở Hải Phòng từ ngày 18/11 đến 28/11 với sự tham gia của 19 đơn vị ca, múa, nhạc chuyên nghiệp, là tín hiệu đáng mừng để nhìn nhận lại về chất lượng của các đơn vị nghệ thuật của nhà nước. Nếu có sự đầu tư bài bản, xứng tầm thì các đoàn nghệ thuật hoàn toàn có thể mang đến những chương trình "đỉnh cao" như thế để phục vụ công chúng. Hơn nữa, để xứng danh một dân tộc có văn hóa và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cần những con người văn hóa, trong đó có những nhà quản lý văn hóa/những nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, yêu văn hóa Việt.
Có lẽ còn rất nhiều vấn đề được gợi mở từ bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài phát biểu mang đến cho những người quan tâm, yêu mến văn hóa Việt niềm hy vọng về diện mạo mới và đĩnh đạc của văn hóa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.