Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hải Dương xây dựng thương hiệu du lịch từ sản phẩm đặc thù

11/07/2023 | 09:42

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đưa du lịch Hải Dương trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Hải Dương xây dựng thương hiệu du lịch từ sản phẩm đặc thù - Ảnh 1.

“Về với nghệ thuật rối nước vùng Đồng bằng Sông Hồng” ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang) là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

8 sản phẩm du lịch đặc thù

Nhân dịp nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Liễu ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) đưa các con đi thăm Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Sau khi tham quan các gian trưng bày để các con tìm hiểu về lịch sử của đất nước, của tỉnh, các con chị được hướng dẫn viên bảo tàng đưa tới khu trải nghiệm các nghề truyền thống và trò chơi dân gian như làm cốm, gốm, chơi ô ăn quan, bắt chạch trong chum... "Không chỉ các con mà ngay cả bố mẹ cũng cảm thấy hào hứng. Bảo tàng tỉnh đã làm mới nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, bổ ích cho các bạn trẻ", chị Liễu nói.

Bảo tàng tỉnh chỉ là một trong số các điểm đến của 8 sản phẩm du lịch đặc thù đang được ngành du lịch Hải Dương xây dựng và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng, riêng có. Ngoài “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) kết nối với Bảo tàng tỉnh Hải Dương (TP Hải Dương), các sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Dương gồm có: “Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng Sông Hồng” ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang); “Tìm về giá trị sinh thái cộng đồng đích thực vùng đồng bằng sông Hồng" ở Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện); “Con đường khoa cử Việt” gồm làng Tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang) kết nối với Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) - Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách) - Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (TP Chí Linh); “Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt” khu vực sông Hương (Thanh Hà); “Du lịch nghỉ dưỡng - thiền/dưỡng sinh” khu vực hồ Thanh Long - hồ Bến Tắm (TP Chí Linh); “Chạm khắc gỗ Đông Giao - nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ Xứ Đông” thôn Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng); “Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông” xã An Thanh (Tứ Kỳ). 

Từ năm 2022 đến nay, nhiều tour trải nghiệm gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù đã được tổ chức, đón khách trong nước và quốc tế. Các chương trình tour trải nghiệm đã góp phần quảng bá về văn hóa, con người xứ Đông, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Trong chuyến tham quan trải nghiệm tại vườn vải ở Thanh Hà, bà Vongdala Pomphithak, Phu nhân Bộ trưởng Nông Lâm nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ấn tượng: “Tới thăm các vườn vải ở đây, chúng tôi không chỉ học hỏi được kinh nghiệm trồng trọt tại Hải Dương mà còn được trải nghiệm hái vải, chụp ảnh rất tuyệt vời”.

Hải Dương xây dựng thương hiệu du lịch từ sản phẩm đặc thù - Ảnh 2.

Mô hình tổ chức quản lý khu, điểm du lịch cần đổi mới theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách. Trong ảnh: Khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại Công ty CP Gốm Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách). Ảnh: Thành Chung

Làm gì để khai thác hiệu quả?

Ngoài việc tổ chức nhiều tour đón du khách trong nước và quốc tế, thời gian qua các dự án về bảo tồn, tôn tạo các công trình, thiết chế văn hóa gắn với phát triển du lịch đã được triển khai. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư phát triển nhằm tăng khả năng tiếp cận thuận lợi đối với các điểm tài nguyên du lịch. Việc thu hút nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, triển khai xây dựng một số dự án phát triển du lịch được đẩy mạnh.

Trong các sản phẩm du lịch đặc thù, nhiều điểm đến đã chú trọng tới cách làm mới các sản phẩm, dịch vụ như: chèo thuyền hái vải ở Đồng Mẩn (Thanh Hà), tham quan Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam và trải nghiệm homestay kết hợp với làm bánh đa tại làng nghề Hội Yên (Thanh Miện)… 

Việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, thu hút khách du lịch; góp phần vào kết quả của ngành du lịch thời gian gần đây. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 920.000 lượt khách, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 23.761 lượt khách quốc tế (tăng 10,3 lần so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu du lịch ước đạt 391,1 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với  cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động trong ngành du lịch và từng đi nhiều nơi, anh Phạm Trường Khanh, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Du lịch Thiên Phong (TP Hải Dương) cho rằng, tại các điểm đến, cần tăng cường dịch vụ bổ trợ, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng. Cách làm, mô hình tổ chức quản lý khu, điểm du lịch cần đổi mới theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư lớn đối với Hải Dương đang rất cần thiết. Tỉnh tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Ưu tiên xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến để khai thác tiềm năng, thế mạnh, thu hút du khách đến Hải Dương thường xuyên, khắc phục những hạn chế du lịch theo mùa, các dịp lễ hội.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Liên kết, phát triển du lịch giữa tỉnh Hải Dương với các địa phương trong nước, quốc tế gắn với mỗi sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm.

Theo Báo Hải Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×