Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hải Dương: Đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tu bổ và phát huy giá trị di tích

05/10/2021 | 14:17

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương: Đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tu bổ và phát huy giá trị di tích - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: vovworld

Theo đó, Quy định gồm 5 Chương, 39 Điều, quy định các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi tắt là di tích) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được cơ quan nhà nước xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và di tích thuộc danh mục kiểm kê đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích; trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam; các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có liên quan đến các hoạt động quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Quy định nêu rõ, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Đồng thời chỉ rõ những nội dung về phân cấp quản lý và tổ chức quản lý di tích; kiểm kê di tích; hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về di tích; quy hoạch và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…

Cụ thể như, về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích: Các di tích đã được xếp hạng và các di tích được kiểm kê bảo vệ nhưng chưa có điều kiện đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo phải được bảo vệ nguyên trạng. Khi có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng hoặc bị xâm hại, bị lấn chiếm đất đai thì tổ chức, cá nhân và UBND cấp xã nơi có di tích phải có phương án bảo vệ kịp thời và báo cáo cơ quan chức năng cùng phối hợp bảo vệ, bảo quản. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng hoặc bị xâm hại, bị lấn chiếm đất đai phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đóng trên địa bàn biết để có biện pháp xử lý.

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc đang quản lý hợp pháp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (được quy định tại Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT ngày 19 tháng 02 năm 2004 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia) thực hiện việc đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các địa phương, tổ chức, cá nhân đang quản lý di tích có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành công tác kiểm kê di tích, kiểm kê cổ vật tại di tích theo định kỳ. Chủ sở hữu di tích phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cảnh quan môi trường trong di tích và khu vực xung quanh để đảm bảo xanh - sạch - đẹp; đảm bảo an ninh trật tự tại di tích.

Việc tổ chức lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội và các quy định của pháp luật có liên quan. Tất cả các hình thức hoạt động khai thác, sử dụng các khu vực liền kề với di tích (ngoài khu vực bảo vệ di tích), như: lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, cắm trại, dịch vụ du lịch... phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cấp chính quyền được giao quản lý di tích.

Về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về di tích: Các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam, không cư trú trên địa bàn tỉnh Hải Dương, có nhu cầu tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học về di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận theo quy định. Các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc tổ chức hợp tác khoa học đa quốc gia có nhu cầu nghiên cứu sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể tại các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP về thẩm quyền và thủ tục cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam.

Việc lập quy hoạch và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương được thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân lập quy hoạch di tích, dự án đầu tư, thiết kế và thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện về năng lực, chuyên môn kỹ thuật theo quy định hiện hành của pháp luật. Tổ chức, cá nhân lập quy hoạch di tích, dự án đầu tư, thiết kế và thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện về năng lực, chuyên môn kỹ thuật theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề của tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích và thi công tu bổ di tích thực hiện theo Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định của pháp luật có liên quan.

Về xã hội hóa bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích: Khuyến khích sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị di tích.

Tỉnh Hải Dương đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật hiện hành tại thời điểm đầu tư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND cấp huyện căn cứ quy định hiện hành của pháp luật đề xuất việc khen thưởng, vinh danh đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích./.

Thanh Thủy

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×