Hai đêm nhạc đẳng cấp với những tài năng quốc tế
09/08/2019 | 10:34Hành trình âm nhạc từ Đông sang Tây và từ Séc qua Pháp là hai đêm nhạc đẳng cấp diễn ra trong khuôn khổ của Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection Music 2019 (VNCMF) từ ngày 15 -16/08, tại L'espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Ra đời năm 2015, VNCMF không ngừng được mở rộng và phát triển dưới sự dẫn dắt của giám đốc nghệ thuật, nghệ sĩ violon xuất sắc người Mỹ gốc Việt Chương Vũ. Sát cánh cùng anh với tư cách đồng giám đốc nghệ thuật là Nghệ sỹ ưu tú Bùi Công Duy, nghệ sỹ violon đẳng cấp quốc tế. Liên hoan VNCMF cùng các hoạt động âm nhạc đặc sắc đã kết nối rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên khắp thế giới và các nghệ sĩ Việt Nam trong và ngoài nước, nhằm đem âm nhạc cổ điển tới gần công chúng Việt hơn nữa.
Mở đầu đêm nhạc Một hành trình âm nhạc: Từ Đông sang Tây (thứ 5, ngày 15.08) là Tứ tấu dây số 1, opus 5 được nhà soạn nhạc người Pháp huyền thoại Darius Milhaud sáng tác năm 1912, để dành tặng họa sĩ trường phái hậu ấn tượng Paul Cézanne. Tác phẩm nằm trong kho tàng mười tám tác phẩm tứ tấu dây, được ông sáng tác trong suốt 38 năm : từ năm 1912 đến năm 1950. Mười tám tác phẩm này, đối với nhà phê bình âm nhạc người Pháp Jean Roy là "mười tám khuôn mặt, mười tám tính cách với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều biến chuyển… của trái tim và của tâm hồn…"
Cũng trong đêm diễn ngày 15.08, khán giả yêu nhạc cổ điển sẽ có cơ hội thưởng thức những sáng tác mới cho tứ tấu dây của ba nhà soạn nhạc tài năng của Việt Nam : Vũ Việt Anh, Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Mạnh Duy Linh.
Tứ tấu dây Skyline (Chân trời) của Vũ Việt Anh là cái nhìn về Sài Gòn qua lăng kính của người nghệ sĩ, về cuộc sống dung dị giữa những bộn bề nơi đô thị phồn hoa.
Tác phẩm tứ tấu dây số 2 Flashbacks vốn được Nguyễn Minh Nhật sáng tác để vinh danh nhà soạn nhạc Steven R. Gerber. Các tiểu quãng nằm rải rác trong tác phẩm nhằm thử nghiệm trên nhạc cụ dây những kỹ thuật thường thấy trong ca trù.
Tứ tấu dây A Gentle Wind (Làn gió nhẹ bay) là một trong số những sáng tác nổi bật nhất của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Nổi tiếng qua các sáng tác âm nhạc cho bộ phim Đường đua (năm 2003) và bộ phim Đảo của dân ngụ cư (năm 2017), Duy Linh đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc được giới chuyên môn đánh giá cao như Fragile cho violon, cello và piano, Concerto cho violon và dàn nhạc, Concerto Grosso cho violon, piano và dàn nhạc, hay Tổ khúc Giao hưởng "Hồi tưởng"...
Ở nửa sau của đêm nhạc, khán giả sẽ được thưởng thức ba tác phẩm chưa từng được công diễn tại Việt Nam, được phối khí và thể hiện bởi nữ nghệ sỹ viola tài năng người Pháp gốc Việt Kim Mai Nguyen và nghệ sỹ cello Avery Waite.
Nếu đêm nhạc ngày 15.08 là chuyến du hành âm nhạc từ Đông sang Tây, thì đêm nhạc thứ hai (thứ 6, ngày 16.08) thông qua các sáng tác của những nhà soạn nhạc tên tuổi trên thế giới, sẽ đưa khán thính giả vào một chuyến du hành từ Séc qua Pháp.
Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức những tác phẩm vô cùng đặc sắc nhưng chưa từng được công diễn tại Việt Nam như Hành khúc tang lễ của một con rối của Charles Gounod hay Ngũ tấu cho violon, clarinet, viola, cello và piano cung Rê trưởng của Zdeněk Fibich.
Được sáng tác từ năm 1872, tuy nhiên chỉ đến năm 1955, tác phẩm Hành khúc tang lễ của một con rối mới trở nên nổi tiếng hơn cả do được chọn làm ca khúc chủ đề của loạt phim truyền hình dài tập Alfred Hitchcock Presents gồm 268 tập.
Ngũ tấu cho violon, clarinet, viola, cello và piano cung Rê trưởng của Zdeněk Fibich được Edition Silvertrust nhận định là một trong những tác phẩm nhạc thính phòng độc đáo nhất, bởi những hiệu ứng âm thanh đầy màu sắc. Tạp chí New York Concert Review đánh giá rất cao sáng tác của nhà soạn nhạc Zdeněk Fibich : sự khai thác, kết hợp âm sắc của các nhạc cụ đầy tài tình để mang lại cho tác phẩm những hiệu ứng âm thanh ấn tượng nhất, đặc biệt thể hiện trong các phần chuyển điệu.
Có thể nói, Một hành trình âm nhạc sẽ là nơi vinh danh các nhà soạn nhạc vô cùng tài năng và nổi tiếng trên sân khấu quốc tế nhưng vẫn chưa được nhiều công chúng Việt Nam biết đến.