Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Tĩnh: Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

20/08/2021 | 10:29

Hà Tĩnh là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, liên tục bị thiên tai, chiến tranh tàn phá và ý thức của con người, nhiều di sản bị mất mát, hư hỏng, nhiều di tích chỉ còn là phế tích. Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn qua nhiều thế hệ, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, hệ thống di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng, trùng tu, phục dựng và phát huy được hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trên cơ sở quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ chỉ đạo về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa như: Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 10/7/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về “Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”; Quyết định số 1177/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân; Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo.

Về di sản văn hóa vật thể, đến nay, toàn tỉnh đã kiểm kê được trên 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, xếp hạng được 509 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trong đó, hệ thống di tích Hà Tĩnh khá phong phú. Di tích danh nhân văn hoá Hà Tĩnh có khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...; di tích lịch sử cách mạng có khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập...; di tích chứng tích chiến tranh có Ngã ba Đồng Lộc, Chỉ huy sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần 559, Trường cấp 2 Hương Phúc, Làng K130... Về kiến trúc nghệ thuật cổ, tuy chưa nổi tiếng như một số di tích ở vùng đồng bằng sông Hồng nhưng nhiều di tích ở Hà Tĩnh cũng mang những đặc trưng kiến trúc, lịch sử khá tiêu biểu của từng triều đại và vùng miền trong đó điển hình như Đình Hội Thống, Đền Cả tổng Du Đồng, Chùa Am... Và một điều rất đặc biệt là Hà Tĩnh có khá nhiều di tích gắn với các danh lam, thắng cảnh như chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Hoành Sơn Quan…Công tác quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quản lý chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ khoảng 10 ngàn hiện vật, trong đó có những bộ sưu tập quý có giá trị như bộ sưu tập đồ gốm cổ, tiền đồng cổ, các hiện vật khảo cổ Thạch Lạc, bảo vật quốc gia súng thần công...

Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Ví Phường vải, Trò Kiều, hát Sắc bùa, hò Nam Khê… được phục hưng và phát huy tốt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giảm bớt nguy cơ bị thất truyền. Các lễ hội như lễ hội chùa Hương Tích, chùa Đại Hùng, lễ Cầu Ngư, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… được khôi phục và thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia…Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 116 CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, kiểm kê được 70 lễ hội các loại, trong đó có 12 lễ hội lớn được tổ chức thường niên…

Năm 2009, Ca Trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Tháng 6/2016 và tháng 6/2018, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (Can Lộc) được ghi danh là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, lễ hội Đền Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi, lễ hội Cầu Ngư Nhượng Bạn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng ngày càng hẫng hụt đặc biệt đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu về kỹ thuật chế tác và bảo quản, lưu giữ mộc bản. Vẫn còn tình trạng một số di tích tự ý xây dựng, phục dựng nhưng chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn. Công tác lập quy hoạch tổng thể đầu tư tu bổ di tích, lập quy hoạch khảo cổ, cắm mốc địa giới di tích ở hầu hết các địa phương triển khai còn chậm....

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cấp ủy chính quyền cần triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về lĩnh vực văn hóa di sản. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy, các giá trị di sản; để di sản trở thành những sản phẩm đặc trưng của quê hương; gắn kết với phát triển du lịch từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Tham mưu việc thu hút nhân tài có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực di sản văn hóa như Hán Nôm, Khảo cổ học, Nghệ thuật, Mỹ thuật, Bảo tàng…. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện đối với việc sử dụng các nguồn vốn của nhà nước và xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích, việc sử dụng nguồn thu công đức tại các di  tích. Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân và những tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực bảo tồn di sản; chỉ đạo quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Trò Kiều trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức các liên hoan, hội diễn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù theo định kỳ hàng năm. Chỉ đạo việc tổ chức lễ hội thiết thực và hiệu quả hơn.

Theo Sở VHTTDL Hà Tĩnh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×