Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Tĩnh: Khảo sát di tích “Đấu lường quân”

09/06/2021 | 08:38

Vừa qua, các nhà nghiên cứu di sản văn hóa Hà Tĩnh đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu di tích “Đấu lường quân” tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh.

Hà Tĩnh: Khảo sát di tích “Đấu lường quân”  - Ảnh 1.

Căn cứ vào một số tư liệu lịch sử và khảo sát thực tế cho biết Đấu lường quân được xây dựng vào năm 1656 (thế kỷ XVII) thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vào thế kỷ XVII, khi cuộc chiến Đàng Ngoài – Đàng Trong đang diễn ra ác liệt, quân Chúa Nguyễn thường vượt Đèo Ngang sang đánh quân Trịnh. Quân Trịnh nhiều lần bại trận, phải lui về bắc sông Lam để bảo toàn lực lượng. Trước tình thế đó chúa Trịnh Tráng đã cử con trai Ninh Quận công Trịnh Toàn làm Khâm sai Tiết chế tổng chỉ huy đường bộ và đường biển vào trấn giữ vùng đất giới tuyến Hà Hoa (Kỳ Anh). Khi vào cai quản vùng đất Hà Hoa, Ninh quận công Trịnh Toàn hết sức chăm lo công việc xây thành đắp lũy, dựng pháo đài tổ chức quân trú phòng, lập đồn binh nên hầu hết các thành lũy ở vùng đất này nhân dân quen gọi là “Thành ông Ninh”, “Lũy ông Ninh”. Trong số những công trình ấy có di tích “Đấu lường quân” được xây dựng dưới chân núi Lạc Sơn, làng Hữu Lễ, tổng Cấp Dẫn (nay là thôn Trung Phong, xã Kỳ Phong).

Sử chép về sự kiện này như sau: “Ninh quận công Trịnh Toàn, trú quân dưới chân Đèo Ngang đã đắp lũy ở núi Từ Lĩnh thôn Xuân Sơn, để cầm cự với quân phương Nam (Nhà Nguyễn). Lại có “Hộc đong quân” ở thôn Hữu Lễ, tổng Cấp Dẫn, bên dưới gò “Hỏa hiệu”, dài rộng mỗi phía 10 trượng, dùng để đong quân”. “Đấu lường quân”, “Hộc đong quân” hay còn gọi là “Lượng quân đấu”, một hình thức đo lường để kiểm đếm quân số binh lính dưới thời phong kiến. Đấu được xây đắp trên một vùng đất rộng, hình vuông, mỗi cạnh dài 10 trượng; thành đấu cao khoảng 2m, chân thành đấu rộng khoảng 6 – 8 m; bốn phía bên ngoài thành đấu có hào sâu bảo vệ. Đấu có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc; chính giữa trên thành đấu có “Vọng lâu” để người chỉ huy đứng điểm quân.

Trải qua thời gian hơn 3 thế kỷ, do sự tác động của thiên nhiên và con người nên các bờ thành đấu bị thấp xuống rất nhiều, nhưng hình chiếc đấu vẫn còn, các góc thành đấu vẫn vuông vức, mặt sân đấu vẫn bằng phẳng, một số hiện vật liên quan như gạch, ngói vẫn còn lưu lại trên thành di tích. Bên ngoài thành đấu, phía Bắc có một miếu Thổ thần, phía Đông nam di tích 200 mét là đền thờ Ninh Quận công Trịnh Toàn.

Hiện tại, toàn bộ diện tích đất trong và ngoài “Đấu lường quân” đang được giao cho người dân trồng cây lâm nghiệp đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ gìn giữ di tích có giá trị lịch sử này.

Theo Sở VHTTDL Hà Tĩnh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×