Hà Nội: Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở
21/07/2025 | 15:27Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố.
Báo cáo cho thấy, Hà Nội đã triển khai 100% các nhiệm vụ, hoàn thành 5/10 mục tiêu; 5/10 mục tiêu không hoàn thành do không phù hợp hoặc bị trì hoãn khi chuyển sang thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm các mục tiêu: bảng tin điện tử cấp huyện, bảng tin điện tử cấp xã, hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện, đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, Hệ thống thông tin nguồn TTCS Thành phố kết nối quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các sở, ngành Thành phố). Riêng với mục tiêu trang thông tin điện tử cấp xã, từ ngày 01/7/2025, các xã, phường của Hà Nội đã vận hành các trang thông tin điện tử của đơn vị.
Thông qua việc thực hiện Chiến lược, các cấp ủy, chính quyền ngày càng quan tâm đến hoạt động TTCS, đặc biệt là hoạt động của đài truyền thanh cơ sở, ứng dụng công nghệ vào hoạt động TTCS. Hệ thống TTCS phát huy hiệu quả, được Nhân dân ghi nhận, nhất là khi Thành phố triển khai các đợt tuyên truyền có tính khẩn cấp như: Phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ứng phó với bão số 3 (bão Yagi)..., các đợt tuyên truyền yêu cầu tính cổ động cao như: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thực hiện Đề án 06, cấp căn cước công dân gắn chip…
Tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn có đài cơ sở, phủ sóng hầu hết địa bàn dân cư tiếp tục được duy trì và phát huy khi thực hiện Chiến lược phát triển ngành đầu tiên của lĩnh vực TTCS. Qua đó, khẳng định tầm quan trọng của đài trong hoạt động TTCS và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Hoạt động của đài cơ sở trên địa bàn Thành phố ngày càng đi vào nền nếp, tiệm cận công nghệ hiện đại trong biên soạn, biên tập, lưu trữ, truyền đưa thông tin. Bên cạnh công nghệ truyền thống (có dây, không dây), nhiều đơn vị đã chuyển đổi sang đài ứng dụng CNTT-VT, giúp quản lý các cụm loa hiệu quả hơn, việc viết, biên tập tin bài và đọc phát thanh dễ dàng, thuận tiện hơn, cơ quan quản lý cấp trên có thể kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn và kịp thời có định hướng, chỉ đạo tuyên truyền, nhất là khi có nội dung khẩn cấp.
Các bài phát thanh TTCS của Thành phố và các đơn vị có đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đều sử dụng giọng đọc AI, giúp thực hiện nhanh, kịp thời, dễ dàng, không phụ thuộc vào việc bố trí phòng thu, tiết kiệm công lao động cho phát thanh viên ở cơ sở và tiết kiệm chi phí thuê người đọc.
Người làm TTCS được tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng hằng năm, qua đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên được cập nhật, ứng dụng các phương thức học trực tuyến, các bài kiểm tra điều kiện đa dạng, tạo điều kiện cho người học thu xếp công việc linh hoạt, đồng thời vẫn lĩnh hội đủ lượng kiến thức để áp dụng vào thực tế.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện, chủ yếu là các huyện và thị xã có hoạt động truyền thanh cấp huyện, đã bước đầu được đầu tư thiết bị số hóa sản xuất chương trình phát thanh, bước đầu sản xuất các nội dung đa phương tiện, phát trên đa nền tảng (các chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, phát trên tài khoản Facebook, Youtube của đơn vị…). Chương trình do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện thực hiện phong phú về nội dung, bám sát địa bàn, tập trung vào giới thiệu lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, thành tựu và tiềm lực kinh tế - xã hội địa phương, hoạt động của lãnh đạo và cả hệ thống chính trị, các sự kiện diễn ra trên địa bàn. Đây là tiền đề rất thuận lợi khi chuyển các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện về cấp xã quản lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay./.