Hà Nội: Thay đổi tư duy làm du lịch, mạnh dạn xây dựng sản phẩm mới phù hợp
07/01/2021 | 08:44Trong những năm qua, lĩnh vực Du lịch Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo".
Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt với những biện pháp hiệu quả, Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô với mức tăng doanh thu 12,1%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, Hà Nội đã đón hơn 7 triệu khách quốc tế, nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới.
Năm 2020, nằm trong bối cảnh chung của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, tổng lượng khách du lịch giảm sâu so với năm 2019, hầu hết chỉ tiêu phát triển ngành du lịch giảm. Tuy nhiên, Du lịch Hà Nội vẫn đạt được một số kết quả.
Theo đó, trong năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 8,65 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt; lượng khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt. Theo báo cáo từ UBND thành phố Hà Nội, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 28,2 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 28,2%.
Nhằm vực dậy ngành du lịch Thủ đô sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, trong năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai các chiến lược kích cầu trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, UBND thành phố đã hợp tác với kênh CNN quốc tế, liên kết phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô.
Không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Có thể thấy rằng, để có được những kết quả trên, trong thời gian qua thành phố Hà Nội đã thực hiện rà soát, triển khai một số khu vực quy hoạch lớn như: Dự án Quy hoạch khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Mở rộng không gian tuyến phố đi bộ khu vực Phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; phát triển trên cơ sở không gian di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành - Thăng Long thành Công viên văn hóa lịch sử.
Cùng đó là phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc tỷ lệ 1/500 thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; Khởi công Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Trong 5 năm qua, thành phố Hà Nội cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Các sản phẩm bám sát nội dung quy hoạch và không ngừng được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tập trung ở các nhóm sản phẩm: du lịch văn hóa, du lịch MICE, Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi, giải trí và thể thao, du lịch nông nghiệp và trang trại.
Đồng thời, tập trung phát triển các tuyến du lịch thu hút du khách hiệu quả (như: khu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo Tàng Hồ Chí Minh và Văn Miếu Quốc Tử Giám), khai thác các loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản; Phố đi bộ khu vực Hoàn Kiếm và phố Sách Hà nội tiếp tục được đẩy mạnh khai thác.
Thay đổi tư duy làm du lịch
Theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để đẩy mạnh phát triển du lịch Thủ đô, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đón 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 13-14 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 270-300 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, trước mắt, ngành Du lịch Thủ đô cần nỗ lực “vượt khó”, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19. “Các đơn vị phải thay đổi tư duy làm du lịch, mạnh dạn xây dựng sản phẩm mới phù hợp với chủ trương kích cầu du lịch nội địa, tiến tới phục vụ khách nước ngoài”, ông Trần Trung Hiếu nêu quan điểm.
Về lâu dài, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch quy mô lớn, trọng điểm, như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí (quận Tây Hồ)./.