Hà Nội tạm dừng đón khách tham quan đền Quán Thánh để trùng tu
06/11/2024 | 16:59Từ ngày 06/11 đến hết ngày 05/12, đền Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách tham quan để tu bổ, tôn tạo và sửa chữa nhiều hạng mục.
Theo quyết định đã được phê duyệt, 2 di tích sẽ được thực hiện tu bổ tổng thể với các hạng mục Tứ trụ, Nghi môn, đền chính, đồ thờ nội thất đền chính và các hạng mục phụ trợ. Thời gian thi công của dự án là 300 ngày kể từ ngày khởi công bàn giao mặt bằng.
Trước đó, ngày 25/7/2024, đơn vị thi công đã khởi công công trình tu bổ, tôn tạo tại các di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục. Trong quá trình thi công, mặt bằng tại di tích bị hạn chế trong việc thực hiện tu bổ các hạng mục theo thiết kế được duyệt; do đó, gây bất tiện cho du khách đến tham quan, thực hành tín ngưỡng tại di tích. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho du khách và bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác tu bổ các hiện vật, tượng thờ, Ban quản lý di tích đã quyết định tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động đón khách tham quan, tín ngưỡng tại di tích trong một thời gian.
Theo UBND quận Ba Đình, từ ngày 06/11/2024, đền Quán Thánh bước vào giai đoạn trùng tu phần ngói đền chính và tu bổ đồ thờ, nội thất trong đền; Ban quản lý di tích sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động đón du khách và nhân dân tới tham quan, chiêm bái tại di tích đến hết ngày 05/12/2024.
Đền Quán Thánh đối diện hồ Tây, tại ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Cùng với đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Voi Phục... ngôi đền đang là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan và chiêm bái.
Theo sử liệu, đền Quán Thánh xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Đền Quán Thánh là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, lưu giữ nhiều tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tín ngưỡng ở nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam.
Đền có kiến trúc xây theo kiểu nội “đinh”, ngoại “quốc”, ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán”, do vua Thiệu Trị ngự đề.
Theo Báo QĐND